Tìm hiểu về Ngày người khuyết tật Việt Nam
Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật, ngày 18/4/1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.
Ngày 30/7/1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 của Pháp lệnh có quy định lấy ngày 18/4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Ngày 17/6/2010 Quốc hội ban hành Luật người khuyết tật (Luật số: 51/2010/QH12), tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18/4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Kể từ năm 2019, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chính thức công bố chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2019 là “Tiếp cận cho mọi người”. Từ đó, mỗi năm, Liên hiệp hội đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hoà nhập của người khuyết tật Việt Nam:
Chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2020 là: Cùng nhau vượt qua đại dịch.
Chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2021 là: An toàn - Bình đẳng.
Chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2022 là: “Hòa nhập và Thích ứng - Định hình Tương lai”.
Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng ngoài việc tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và người khuyết tật nói riêng tại bệnh viện còn được UBND tỉnh, Sở Y tế giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, phát triển mạng lưới và tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng.
Hàng năm, Bệnh viện đã tổ chức khám chữa bệnh tại đơn vị cho khoảng 3000 lượt người bệnh, người khuyết tật. Dạng khuyết tật thường gặp ở những người bệnh, người khuyết tật đến khám chữa bệnh tại đơn vị: khó khăn về vận động; khó khăn về giao tiếp; khó khăn về nhìn; khó khăn về nghe nói.
Công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng đã được bệnh viện triển khai trong những năm qua:
- Năm 2020, tổ chức khám tư vấn, sàng lọc cho 2.000 người khuyết tật và cung cấp 50 gậy, 50 khung tập đi, 100 đôi nạng và 100 xe lăn cho người khuyết tật tại Thị xã Đông Triều.
- Năm 2021, tổ chức khám tư vấn, sàng lọc cho 513 người khuyết tật; hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp di chuyển (gậy: 25 chiếc; Nạng: 50 đôi; khung tập đi: 25 chiếc; xe lăn: 50 chiếc) cho 150 người khuyết tật tại Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ.
- Năm 2022, tổ chức khám tư vấn, sàng lọc cho 1.000 người khuyết tật; hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp di chuyển (gậy: 50 chiếc; Nạng: 23 đôi; khung tập đi: 45 chiếc; xe lăn: 40 chiếc) cho 158 người khuyết tật tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên.
Hàng năm, Bệnh viện tổ chức tập huấn cho 400 lượt cán bộ y tế cơ sở về phục hồi chức năng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, phát hiện và phục hồi chức năng các khuyết tật thường gặp tại cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã phối hợp với các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các địa phương tổ chức thu thập và cập nhật thông tin người khuyết tật vào hệ thống quản lý thông tin người khuyết tật của Bộ Y tế. Hiện tại đã cập nhật thông tin của trên 16.000 người khuyết tật trong tỉnh vào phần mềm;
Bệnh viện được giao là đầu mối triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021” tại 33 xã phường thuộc thành phố Hạ Long và 21 xã phường thuộc thị xã Đông Triều:
- Số nạn nhân trên địa bàn qua đợt khảo sát đầu kỳ là 2.512 người, trong đó: Thành phố Hạ Long (1.509 người) và Thị xã Đông Triều (1.003 người).
- Số nạn nhân được khám sàng lọc, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, lập danh sách nạn nhân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng là 900 người, trong đó: Thành phố Hạ Long (457 người) và Thị xã Đông Triều (443 người).
- Số nạn nhân được thu dung và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng là 477 người, trong đó: Thành phố Hạ Long (129 người) và Thị xã Đông Triều (348 người).
- Số lượt nạn nhân và người nhà nạn nhân được tập huấn và thực hiện hướng dẫn các kỹ thuật phát hiện sớm-can thiệp sớm là 3.144 lượt người, trong đó: Thành phố Hạ Long (1.347 lượt người) và Thị xã Đông Triều (1.797 lượt người).
Với những hoạt động thiết thực vì người khuyết tật, bệnh viện đã trợ giúp người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, góp phần cải thiện nâng cao sức khỏe và giúp người khuyết tật thích ứng với các hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tham gia các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội.
Một vài hình ảnh cán bộ y tế Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, phát triển mạng lưới và tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng:
Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến