Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch ở người bệnh tăng huyết áp

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là một tập hợp bao gồm tất cả các bệnh lý ảnh hưởng đến tim và các mạch máu bao gồm bệnh động mạch vành, bệnh động mạch não, bệnh lý động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh van tim do thấp, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, các bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng, dinh dưỡng, tự miễn...

Ngày nay, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Đến những năm đầu thế kỷ 21, tử vong do tim mạch ước tính khoảng 17,9 triệu người trên toàn thế giới và chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong. Điều đáng lo ngại là tổng số ca tử vong do các bệnh tim mạch vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch chiếm 31% (2016), đưa bệnh tim mạch vượt trên ung thư, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Sự gia tăng các bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan mật thiết đến sự thay đổi đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng mạnh. Các yếu tố nguy cơ (YTNC) gây bệnh lý tim mạch bao gồm 2 nhóm chính:

- Các yếu tố nguy cơ liên quan đến hành vi: Hút thuốc lá, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động thể lực, lối sống tĩnh tại.

- Các yếu tố nguy cơ liên quan đến chuyển hóa: Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì.

Điểm đặc biệt là, các YTNC thường đi thành chùm và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân dẫn đến người bệnh có nguy cơ bị bệnh cao và bị bệnh sớm.

Theo Viện Tim Mạch Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân bị tăng huyết áp (THA) đã gia tăng đáng kể (khoảng 1% mỗi năm). Điều đáng lo ngại là số người THA được phát hiện chỉ chiếm khoảng 50% và số người THA được kiểm soát tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3. Tỷ lệ phát hiện THA còn thấp cũng như kiểm soát kém có thể lý giải về nguyên nhân tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não còn nhiều.

THA là một yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được. Khởi trị THA sớm, tích cực để nhanh chóng đạt HA mục tiêu (trong vòng 1-3 tháng kể từ khi phát hiện THA) giúp hạn chế các biến cố tim mạch, giảm thiểu tổn thương cơ quan đích, và làm chậm tiến trình phải tăng liều thuốc sau này.

Ngay khi HA ở mức bình thường cao (từ 130 - 139/85 - 89 mmHg), đã nên khởi đầu bằng cách thay đổi lối sống, cân nhắc điều trị thuốc hạ áp ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao. Luôn luôn thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc hạ HA khi có chỉ định.

Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống bao gồm:

1. Theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu (2017), trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thường gặp, ăn uống không hợp lý là nguyên nhân đầu bảng. Vậy nên, bệnh nhân THA cần:

- Giảm ăn mặn (< 5 g muối mỗi ngày), đảm bảo đủ kali, magie và các yếu tố vi lượng.

- Tăng cường rau xanh, quả tươi (ít nhất 400g/24h), nhiều màu sắc, chủng loại. Ưu tiên các loại hạt thô, dầu thực vật nhiều acid béo không no (dầu oliu).

- Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no (phủ tạng động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao...); cân đối giữa dầu thực vật và mỡ động vật. Hạn chế các loại thịt đỏ, ưu tiên cá và các sản phẩm bơ sữa ít béo.

- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ uống ngọt có gas.

2. Vấn đề uống rượu bia: Việc lạm dụng rượu bia làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nên sử dụng rượu bia đúng mức nếu có thói quen này. Hạn chế tối đa rượu, bia, nếu uống thì số lượng chỉ nên ≤ 2 đơn vị/24h đối với nam và ≤ 1 đơn vị/24h với nữ và tổng cộng ≤ 14 đơn vị chuẩn/tuần với nam hoặc ≤ 8 đơn vị chuẩn/tuần với nữ (1 đơn vị chuẩn chứa 14g ethanol tinh khiết tương đương với 354 mL bia (5% ethanol) hoặc 150 mL rượu vang (12% ethanol), hoặc 44 mL rượu mạnh (40%)). Không uống nhiều vào một thời điểm.

3. Tích cực giảm cân (nếu quá cân), cố gắng đạt và duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m2. Cố gắng duy trì vòng bụng < 90 cm với nam và < 80 cm với nữ. Không áp dụng chế độ này cho phụ nữ có thai bị tăng huyết áp.

4. Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào kể cả việc sử dụng các dạng khác như hút thuốc lá điện tử, nhai... cũng như tránh xa môi trường có khói thuốc. Việc cai thuốc, bỏ thuốc bất kể thời điểm nào cũng mang lại lợi ích đáng kể. Lưu ý, cần có chế độ luyện tập thích hợp do nguy cơ tăng cân nhanh chóng sau khi bỏ hút thuốc.

5. Hoạt động thể lực tối thiểu 150 phút mỗi tuần (nên vận động 30 - 60 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần, kết hợp các bài tập cơ tĩnh và động).

6. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý hàng ngày. Tránh bị lạnh đột ngột.

7. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa khác bao gồm: kiểm soát đường huyết, kiểm soát lipid máu,…

Chiến lược điều trị cần được cá thể hoá dựa vào lợi ích trước mắt và lâu dài, tác dụng phụ và giá thành điều trị dài hạn trên cơ sở đánh giá toàn diện HA, các yếu tố nguy cơ tim mạch, tổn thương cơ quan đích, các bệnh đồng mắc và khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.

Ban Biên tập


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip