Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3: Cùng nhìn lại vai trò của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện và nội dung của Thông tư 51/2024/TT-BTY ngày 31/12/2024 của Bộ Y tế quy định về thực hiện công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 25-3 hằng năm được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là Ngày Công tác xã hội Việt Nam theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/9/2016. Ngày Công tác xã hội Việt Nam được coi là ngày tôn vinh những đóng góp quan trọng của ngành trong việc hỗ trợ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Nhân dịp này chúng ta cùng nhìn lại vai trò của nhân viên Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện và tìm hiều về Thông tư 51/2024/TT-BTY ngày 31/12/2024 của Bộ Y tế quy định về thực hiện Công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Vai trò của nhân viên Công tác xã hội trong bệnh viện
Nhân viên CTXH trong bệnh viện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc, hỗ trợ người bệnh cả về thể chất và tinh thần, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh với người thân, người bệnh với nhân viên y tế và những người xung quanh. Họ hỗ trợ người bệnh và gia đình vượt qua những khó khăn về tâm lý, giúp họ thích nghi với môi trường bệnh viện, cung cấp thông tin, tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ người bệnh đặc biệt là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Sự tham gia của nhân viên CTXH góp phần làm giảm gánh nặng cho nhân viên y tế đồng thời tạo ra một môi trường điều trị nhân văn và gần gũi hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Thông tư 51/2024/TT-BTY ngày 31/12/2024 của Bộ Y tế quy định về thực hiện Công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 51/2024/TT-BYT quy định về thực hiện Công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này đã quy định rõ hơn về dịch vụ CTXH trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy trình cung cấp dịch vụ CTXH ; Nội dung kế hoạch can thiệp và đánh giá kế hoạch can thiệp cho người bệnh.
Theo Thông tư, dịch vụ CTXH trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
1. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho người bệnh: Đánh giá nguy cơ, nhu cầu về tâm lý – xã hội cho NB; Phối hợp với các khoa/phòng, đơn vị để hỗ trợ người bệnh về tâm lý, đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về chăm sóc y tế, tài chính , đồ dùng thiết yếu phù hợp với tình hình thực tế của người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh; Chuyển gửi người bệnh đến các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, hoặc cơ quan, tổ chức khác nếu cần thiết.
2. Cung cấp các dịch vụ hướng dẫn, can thiệp và phục hồi cho người bệnh: Tổ chức tiếp đón, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh; Lập hồ sơ CTXH; Lập, triển khai kế hoạch can thiệp, trợ giúp người bệnh; Giám sát và đánh giá các hoạt động trợ giúp người bệnh.
3. Truyền thông giáo dục sức khỏe: Lập kế hoạch truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng; Phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị lập kế hoạch giáo dục sức khỏe cho người bệnh; Phối hợp xây dựng các nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá các dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh.
4. Tổ chức vận động nguồn lực để thực hiện hoạt động CTXH: Làm đầu mối trong việc vận động nguồn lực để hỗ trợ người bệnh; Vận động nguồn lực để triển khai các hoạt động CTXH bệnh viện.
Việc ban hành Thông tư số 51/2024/TT-BYT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trong các cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi và sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của Ngành Y tế Việt Nam.
Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3, chúng ta cũng ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của các nhân viên CTXH trong việc chăm sóc và hỗ trợ người bệnh, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của họ trong Ngành Y tế nước nhà. Trong dịp kỷ niệm này, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có thư chúc mừng, gửi cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên CTXH trong cả nước. Với phương châm “Công tác xã hội Việt Nam – Đổi mới, kết nối và chuyên nghiệp” Bộ trưởng hi vọng “đội ngũ những người làm công tác xã hội tiếp tục phát huy thành tựu, luôn nỗ lực rèn luyện chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp” để đóng góp sức mình vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.