Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh
Nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu đó, các cơ sở y tế trên địa bàn không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút bệnh nhân đến khám, điều trị.
Phẫu thuật vi phẫu - nội soi lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm phát triển, mở rộng các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 42,3 giường bệnh/vạn dân, thì nay tăng lên 54,6 giường bệnh/vạn dân. Toàn tỉnh hiện có 8 bệnh viện tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới chuyển về UBND tỉnh quản lý từ tháng 1/2021. Trên địa bàn còn có 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện (ở Hạ Long, Cẩm Phả) và 12 trung tâm y tế có chức năng KCB.
Đa số các cơ sở KCB được tỉnh quan tâm đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp về quy mô giường bệnh, trang thiết bị hiện đại. Một số đơn vị được đầu tư xây mới đồng bộ như: Trung tâm Y tế Quảng Yên, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy)... Tỉnh còn thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng Bệnh viện Vimmec. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Tỉnh có những chính sách ưu đãi riêng nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, như: Cấp BHYT cho hộ cận nghèo, tăng mức hỗ trợ cho một số đối tượng... Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến nay đạt gần 94%. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%. Điều đó giúp người dân giảm bớt khó khăn khi ốm đau, bệnh tật. Một số bệnh viện tuyến tỉnh (Bãi Cháy, Đa khoa tỉnh, Sản Nhi) nhờ dự án đầu tư của tỉnh về xây dựng bệnh viện thông minh nên đã đạt mức 5 và 6, được Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) công nhận triển khai thành công bệnh án điện tử.
Xạ hình xương là kỹ thuật khó trong chẩn đoán ung thư đã được
triển khai thành công tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy). Ảnh: Nguyễn Hoa
Các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh cũng chủ động ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động chuyên môn, gắn với cải cách hành chính; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; triển khai áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao. Hiện có gần 1.600 bác sĩ làm công tác điều trị trong các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới được đặc biệt quan tâm thông qua Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, hợp đồng chuyển giao, hỗ trợ toàn diện...
Nhiều đơn vị y tế trong tỉnh còn phối hợp với các bệnh viện đầu ngành trong cung cấp dịch vụ KCB, gắn với đào tạo chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao cho đội ngũ cán bộ tại chỗ với phương châm “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng làm được kỹ thuật đó”. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.000 kỹ thuật mới, làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, như: Chụp mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim, mổ tim hở...; các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện đặt stent tim cho 661 ca, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 56 ca, mổ tim hở cho 30 ca.
Chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh trong lồng kính tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Nhờ đó, khả năng cung cấp dịch vụ của mạng lưới các cơ sở KCB công lập trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được khoảng 90% theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế và triển khai được nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới trong KCB nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi luôn đi đầu trong triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu trong KCB, đã thực hiện được khoảng 30% kỹ thuật của tuyến trung ương.
Tỉnh bước đầu thành lập một số trung tâm y tế chuyên sâu: Trung tâm Ung bướu, Trung tâm tim mạch, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân. Nhiều trung tâm y tế tuyến huyện đã có tiến bộ trong cung cấp dịch vụ KCB. Công suất sử dụng giường bệnh hằng năm của các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến huyện luôn ở mức trên 100%.
Cùng với đó, 177 trạm y tế tuyến xã hoạt động theo 3 mô hình, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các trạm y tế xã đã thực hiện được chức năng sơ cứu ban đầu, KCB thông thường. Điều này đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe của người dân ngay từ tuyến cơ sở.
Người dân ngày càng tin tưởng vào chất lượng dịch vụ KCB trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, các cơ sở y tế của tỉnh đã KCB cho 2.052.934 lượt người, trong có 286.290 lượt bệnh nhân điều trị nội trú; xét nghiệm 7.418.394 lượt. Số bệnh nhân chuyển tuyến trung ương ngày càng giảm, giúp bệnh nhân giảm bớt chi phí đi lại.
Bài viết liên quan
- Thông báo tuyển dụng Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh năm 2021
- Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh tham gia hỗ trợ tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh
- Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức khám sàng lọc phát hiện các vấn đề sức khỏe cho nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin và con đẻ của nạn nhân bị mắc bệnh, tật tại Thị xã Đông Triều
- Bệnh viện Phục hồi chức năng tham gia đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh lên đường phòng chống dịch COVID-19 tại Thủ đô Hà Nội
- Thông báo về việc báo giá trang thiết bị y tế
- ĐI CHỢ AN TOÀN TRONG MÙA DỊCH COVID-19
- Mới: Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh
- Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực
- Bệnh viện Phục hồi chức năng công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính – Quản trị
- Tuyệt đối không rời tỉnh, thành phố nơi cư trú