Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiến máu nhân đạo - ý nghĩa và lợi ích

Hiến máu tình nguyện là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, là nét đẹp trong cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, với tình cảm và trách nhiệm cao cả. Nguồn máu an toàn nhất cho người bệnh là nguồn máu từ những người khỏe mạnh.

Hiến máu tình nguyện là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không đủ lượng máu kịp thời cung cấp cho những trường hợp cấp cứu. Muốn cứu sống người bệnh trong tình trạng mất máu cao, cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo có tình trạng thiếu máu nặng, không có cách nào khác là truyền máu. Khi ta hiến tặng, chia sẻ những giọt máu của mình là đã góp phần vào việc duy trì sự sống cho những người cần đến nó. Bởi, máu vốn là một sản phẩm tinh túy và kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người.

Máu tuần hoàn trong cơ thể như một dòng suối mát, luân chuyển mang theo ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi sống, điều hòa các chức năng của cơ thể. Có đủ máu  cơ thể con người mới tồn tại và khỏe mạnh. Không một ai có thể sống sót mà không có dòng máu đỏ quý giá ấy. Vậy mà có nhiều ca bệnh đã không qua khỏi vì lí do thiếu máu truyền. Theo ước tính, cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu. Các chuyên gia cho biết 1 túi máu được sản xuất thành 3 chế phẩm máu. Bởi vậy, chỉ cần 1 lần hiến máu, ta đã giúp được đến 3 người và giúp được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính người bệnh đang cần đến máu.

Việc cho đi những giọt máu của mình chính là cống hiến cho xã hội, mang lại sự sống cho người khác, mang lại niềm vui cho những gia đình chẳng may có người thân gặp nạn. Hiện nay y học ngày càng phát triển, các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm trong cơ thể con người, dù có thể chế tạo ra rất nhiều các loại sinh phẩm y tế khác nhau, nhưng tuyệt đối chưa hề có một công trình khoa học nào chế tạo ra được nguồn máu nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn nguồn máu tự nhiên của con người. Điều ấy càng khẳng định tính chất riêng biệt và tầm quan trọng của nguồn máu dự trữ cũng như sự thiết thực của việc tham gia hiến máu tình nguyện trong cộng đồng.

Hiến máu không chỉ cứu người, mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe người hiến máu. Khoa học chứng minh, hiến máu nhiều lần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn. Khi máu ta cho đi, máu tái tạo nhanh sau 3 đến 5 ngày, máu mới do cơ thể sinh ra được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật, tạo sự phấn chấn vui vẻ. Như vậy hiến máu làm cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn và cũng là cách kiểm tra giám sát sức khỏe của chính mình.

1. Tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái

Nhiều nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học đã khẳng định, việc hiến máu có thể giúp người hiến máu có những trải nghiệm tâm lý và tinh thần thú vị, có lợi cho sức khỏe:

- Có cảm giác tự hào và hạnh phúc vì đã cứu được người khác.

- Giúp người hiến máu “trẻ hóa” tâm hồn: Với những người trung niên trở lên, những phản ứng tâm lý tích cực khi tự nguyện hiến máu thường xuyên giúp họ cảm thấy dồi dào sinh lực, hồi sinh hoặc tái sinh.

- Tự tin vào sức khỏe của bản thân: Hiến máu là biểu hiện chứng tỏ sức khỏe tốt, chất lượng máu tốt. Niềm tin đó rất có lợi cho người hiến máu.

2. Được kiểm tra, tư vấn sức khỏe, giúp người hiến máu theo dõi và tự giám sát sức khỏe của mình

- Mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra sơ bộ về sức khỏe thông qua: khám, đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ…; được làm xét nghiệm huyết sắc tố. Sau khi tiếp nhận, máu được làm 05 xét nghiệm : nhóm máu, viêm gan B, viêm gan C, HIV và giang mai.

- Như vậy, mỗi lần hiến máu là một lần được kiểm tra sức khỏe, giúp cảnh báo và phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe để có biện pháp kịp thời. Đồng thời, với người hiến máu nhiều lần, việc hiến máu sẽ giúp họ tự giám sát sức khỏe của mình.

3. Tăng tạo máu mới

- Mỗi lần hiến máu là cho đi một phần máu trong cơ thể như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, đường huyết, cholesterol, sắt, kali,…Thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn, giúp thanh thải và giảm gánh nặng cho cơ thể do dư thừa các sản phẩm thoái hóa tế bào máu.

- Việc hiến máu còn là “sức ép” cho cơ thể sinh máu mới, nhất là hồng cầu để bù cho máu đã mất, kích thích tủy xương sinh máu.

Như vậy, hiến máu giúp cơ thể và tủy xương “tập dượt”, có phản xạ để huy động năng lượng và nguyên liệu, đáp ứng cho quá trình tạo máu, sẽ là thói quen có lợi cho sức khoẻ.

 4. Tác dụng làm giảm quá tải sắt

- Mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Lượng huyết sắc tố bị tiêu hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần tồn tại trong cơ thể, là kho dự trữ.

- Ở đàn ông lớn tuổi hoặc phụ nữ đã mãn kinh, lượng sắt dự trữ thường cao hơn so với nhu cầu, gây quá tải sắt cho cơ thể. Sắt dư thừa sẽ kích thích quá trình tạo gốc tự do, ôxy hóa cholesterol…

- Hiến máu làm giảm lượng sắt dư thừa và những người hiến máu thường xuyên sẽ giúp quá trình thải sắt được thuận lợi. Người khỏe mạnh bình thường, có thể hiến máu định kỳ 3-4 tháng/lần.

- Ở những người có hội chứng quá tải sắt (một loại bệnh di truyền gây rối loạn cơ chế chuyển hóa sắt), lượng sắt luôn ở mức cao, gây lắng đọng ở nhiều cơ quan (tụy, gan, thượng thận…), có thể gây tổn hại cho các cơ quan này và gây các bệnh như tiểu đường, bệnh gan, tim mạch... Thống kê cho thấy, ở Anh, tỷ lệ mắc bệnh này là 1/300-400 người.

5. Giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

- Sự có mặt quá nhiều của sắt trong máu làm thúc đẩy quá trình ô xy hóa cholesterol, sản phẩm của quá trình này lắng đọng ở lớp dưới nội mô mạch máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện xơ vữa mạch máu, gây các cơn đau tim và đột quỵ.

- Một số nghiên cứu cho thấy cơn đau tim và các vấn đề tim mạch khác ít xảy ra ở nam giới đã hiến máu nhiều lần. Các nghiên cứu ở Đại học Kansas (Mĩ) và Đại học Kuopio (Phần Lan) trên 6.500 người đàn ông cho thấy: nhờ việc hiến máu thường xuyên, những người đàn ông và phụ nữ sau mãn kinh đã giảm được 30% nguy cơ xuất hiện các cơn đột quỵ tim mạch so với những người không hiến máu.

6. Giảm nguy cơ bị ung thư

Việc cơ thể hấp thụ sắt vượt quá mức nhất định cũng như việc tiêu hủy tế bào máu hằng ngày sẽ thúc đẩy việc hình thành các gốc tự do; các gốc tự do này gây ra các thay đổi trong tế bào, làm phá vỡ chức năng bình thường của tế bào và làm tăng nguy cơ gây ung thư như gan, phổi, đại tràng, dạ dày và phế quản. Nhiều nghiên cứu đang tập trung để làm rõ hơn vấn đề này, nhưng bước đầu đã ghi nhận, tỷ lệ ung thư giảm ở những người hiến máu thường xuyên hơn so với người không hiến máu.

7. Tăng quá trình đốt cháy calo và giúp giảm cân

Người ta tính ra rằng, mỗi lần hiến khoảng 450ml máu giúp đốt cháy khoảng 650calo trong cơ thể và giảm lượng cholesterol trong máu. Đây là biện pháp hữu ích trong việc giảm cân ở những người có cân nặng trên mức trung bình của cơ thể.

8. Mỗi lần hiến máu là một lần gửi máu (miễn phí) vào ngân hàng máu

Hiến máu là cách người hiến máu gửi vào ngân hàng máu (gửi nguyên liệu - máu thô); khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, sẽ được bồi hoàn miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Sản phẩm nhận lại là những đơn vị máu hoặc chế phẩm từ máu đã qua xử lý và an toàn cho điều trị.

Hãy tham gia hiến máu khi cơ thể khỏe mạnh, đó là hành động nhân đạo và vừa là cách “bảo hiểm máu” an toàn cho chính sức khỏe của người hiến máu. 

Ban Biên tập TTTT, BV LK-PHCN tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip