THÔNG TIN DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BÀN CHÂN BẸT Ở TRẺ
Thế nào là bàn chân bẹt? Khi nào cần đưa trẻ đi khám và can thiệp?
Không có định nghĩa được chấp thuận rộng rãi về bàn chân bẹt nhi khoa. Tuy nhiên thông thường sẽ được mô tả là vẹo ngoài gót và phẳng cung vòm dọc trong lòng bàn chân. Bàn chân bẹt ở trẻ khá phổ biến và hầu hết là tư thế sinh lý bình thường không cần điều trị. Tuy nhiên, không ít trường hợp bàn chân bẹt là bệnh lý cần can thiệp bằng dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng hay phẫu thuật.
Nguyên nhân bàn chân bẹt có thể do quá trình sinh lý bình thường hay lỏng lẻo dây chẳng tổng thể; thói quen đi chân đất, đi dép hoặc xăng-đan có đế lót bằng phẳng từ khi còn nhỏ trong thời gian dài; một số trường hợp mắc bệnh di truyền do khiếm khuyết của lớp collagen - mô liên kết trong cơ thể (hội chứng Ehlers-Danlos), các rối loạn Gen (hội chứng Dow/Marfan); bàn chân bẹt co cứng mác, xương sên thẳng bẩm sinh, dính cổ chân bẩm sinh, chấn thương hay viêm khớp vô căn vị thành niên.
Có 2 loại bàn chân bẹt là bàn chân bẹt mềm và bàn chân bẹt cứng. Phần lớn bàn chân bẹt mềm là sinh lý và cung vòm dọc trong sẽ phát triển trong 10 năm đầu đời. Bàn chân bẹt mềm hiếm khi gây đau hay giảm chức năng ở trẻ. Bàn chân bẹt cứng là biến dạng cứng thường gây đau và gây ra bởi tình trạng viêm nhiễm.
Dưới đây là một số dấu hiệu “nghi ngờ” mà gia đình nên đưa trẻ đi khám để xác định chính xác trường hợp bàn chân bẹt cần can thiệp và lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp:
- Lòng bàn chân phẳng, không có lõm. Trẻ có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất
- Nhìn từ phía sau gót chân vẹo ra ngoài
- Trẻ kêu đau, đi nhanh, chạy dễ ngã.
Nếu được phát hiện sớm phương pháp trị liệu không phẫu thuật với đế giày chỉnh hình y khoa sẽ là giải pháp đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh tật bàn chân bẹt ở trẻ em.
Bên cạnh đó các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu giúp giảm đau, mềm cơ, kéo giãn các nhóm cơ liên quan vùng chi dưới, bài tập cảm thụ bản thể và thăng bằng cho trẻ cũng rất an toàn và hiệu quả. Các phương pháp trên đều đang được áp dụng hiệu quả, hợp lý tại Khoa Tâm lý trị liệu, bệnh viện Lão khoa- Phục hồi chức năng Quảng Ninh với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ khiếm khuyết vận động nói chung và trẻ có tật bàn chân bẹt nói riêng.
Dấu hiệu “ nghi ngờ” bàn chân bẹt