Tư vấn cách phát hiện và phòng ngừa đau do loãng xương
Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương.
Xương yếu dẫn đến gãy xương với những chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở các vị trí như cột sống, khớp, cổ tay….(gọi là gãy xương do loãng xương).
Sinh lý bệnh:
Xương liên tục được hình thành và tiêu hủy. Thông thường, sự tạo xương và hủy xương diễn ra gần như cân bằng. Các tế bào tạo xương (các tế bào tạo nên chất nền của xương và sau đó khoáng hóa xương) và tế bào hủy xương (tế bào tiêu xương) được điều khiển bởi hormone tuyến cận giáp (PTH), calcitonin, estrogen, vitamin D, các cytokine khác nhau, và các yếu tố tại chỗ khác như prostaglandin.
Phân loại:
Theo nguyên nhân, loãng xương được chia làm hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 typ: loãng xương sau mãn kinh (typ 1) và loãng xương tuổi già (typ 2). Loãng xương sau mãn kinh thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc phụ nữ sau cắt bỏ buồng trứng khoảng 5-10 năm, liên quan đến sự thiếu hụt Oestrogen. Loãng xương tuổi già xuất hiện cả ở nam và nữ trên 70 tuổi. Loãng xương thứ phát thường xuất hiện sau dùng thuốc (Corticoid …), sau bất động (sau can thiệp gãy xương, hôn mê …), bệnh lý khác (đa u tủy xương, ung thư di căn vào xương …).
Triệu chứng và Dấu hiệu:
Thông thường, loãng xương không gây đau, không có bất cứ một biểu hiện lâm sàng nào. Các triệu chứng đầu tiên có thể là biểu hiện biến chứng của loãng xương (xẹp đốt sống hoặc gãy xương ngoại vi):
- Đau lưng cấp và mạn tính.
- Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
- Gãy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
Phát hiện loãng xương: Bằng cách đo mật độ xương.
Đo mật độ xương là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA), hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương. Những khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay.
Đo mật độ xương hoàn toàn không đau, thời gian ngắn, không hại sức khỏe.
Ai, Khi nào cần đo mật độ xương?
Phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi > 65 tuổi,
Hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều.
Gia đình có người bị gãy xương do loãng xương.
Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài
Người mắc bệnh mạn tính
Điều trị loãng xương:
Mục đích: là bảo vệ khối lượng xương, ngăn ngừa gãy xương, giảm đau, và duy trì chức năng.
- Các biện pháp không dùng thuốc
+ Kiểm soát yếu tố nguy cơ: đảm bảo an toàn nơi ở và làm việc ( sử dụng tay vịn lối đi lại, đảm bảo ánh sáng,nền nhà không trơn trượt, sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại nếu cần, tránh té ngã trong tập luyện và sinh hoạt hàng ngày)
+ Chế độ dinh dưỡng: cung cấp đầy đủ nhu cầu hàng ngày về canxi, vitamin D, protein và các khoáng chất cần thiết.
+ Chế độ luyện tập và vận động: duy trì thường xuyên hoạt động thể lực và các bài tập làm tăng khối lượng xương, khối cơ và sức cơ. Các hoạt động thể lực có ích như đi bộ, đạp nhẹ, thái cực quyền, khiêu vũ, aerobic, yoga, bơi lội, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Người bệnh nên duy trì hoạt động thể lực đều đặn, vừa sức, ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
+ Thay đổi lối sống: ngưng hút thuốc, hạn chế rượu bia, hạn chế muối, tránh lạm dụng thuốc
- Các thuốc điều trị: Các thuốc chống hủy xương; Các chất đồng hóa…
Khoa Khám bệnh - BVLK-PHCN