Tiếp cận trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ
Ngôn ngữ là phương tiện vô cùng quan trọng giúp trẻ nhỏ trao đổi thông tin, nhu cầu, tình cảm, giao tiếp với những người xung quanh. Ngôn ngữ có thể được thể hiện bằng lời nói, chữ viết hoặc cử chỉ, kí hiệu. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là một hình thức hành vi xã hội, được hình thành và duy trì bởi một cộng đồng ngôn ngữ; là sự kết hợp cả ba thành phần hình thức, ngữ dụng và nội dung.
Tuy nhiên, bên cạnh những trẻ khá thuận lợi trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ vẫn còn rất nhiều trẻ em gặp khó khăn ở lĩnh vực này. Trong cuộc sống hiện đại, trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ ngày càng phổ biến. Khi một trẻ có kỹ năng ngôn ngữ thấp hơn những bạn đồng trang lứa, nhưng những kỹ năng khác thì có vẻ ổn, tên gọi nào được dùng để chỉ tình trạng này?
Thuật ngữ rối loạn phát triển ngôn ngữ (RLPTNN) được sử dụng từ năm 2017 để chỉ vấn đề khó khăn về ngôn ngữ đủ để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc sự tiến bộ về học vấn của trẻ.
Điều cần lưu ý là RLPTNN không có một nguyên nhân đơn lẻ mà phụ thuộc vào từng cá thể. Các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến RLPTNN được kể đến như: yếu tố sinh học (nguy cơ di truyền, khác biệt cấu trúc, chức năng não …), yếu tố nhận thức (khác biệt trong tiếp nhận, xử lý thông tin), yếu tố môi trường (các trải nghiệm từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ RLPTNN hoặc phòng chống rối loạn) và các đặc điểm về hành vi.
1.Một số biểu hiện của rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ
- Chậm tiếp thu những từ và cụm từ đầu tiên.
- Kho từ vựng hạn chế và/hoặc gặp khó khăn trong việc tìm từ đúng để nói về một sự vật, sự việc đã biết.
- Gặp các lỗi trong quá trình tạo ra lời nói và hiểu âm vị nghèo nàn.
- Gặp các lỗi trong việc sử dụng đại từ nhân xưng, thường sử dụng cấu trức ngữ pháp đơn giản, có lỗi sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
- Khó khăn trong việc hiểu câu hỏi, đặt và trả lời câu hỏi.
- Khó khăn trong việc kể chuyện, mô tả, hiểu từ trái nghĩa, trừu tượng và các bài thuyết trình dài…
2.Làm cách nào để phát hiện và can thiệp cho trẻ chậm, RLPTNN
Trẻ RLPTNN cần được lượng giá một cách kĩ lưỡng bởi nhóm chuyên gia đa ngành như bác sĩ, nhà thính học, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, nhà tâm lý học…nhằm cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về đứa trẻ, các kỹ năng và các thiếu hụt của chúng, các vấn đề ưu tiên cho việc lập kế hoạch can thiệp và giáo dục.
Việc can thiệp cần được bắt đầu từ rất sớm (ngay từ khi phát hiện trẻ có nguy cơ RLPTNN) với mục đích thay đổi và loại bỏ các vấn đề tiềm ẩn, dậy trẻ các kỹ thuật bù trừ (cung cấp cho trẻ các công cụ hay phương tiện để trẻ giao tiếp tốt hơn với khiếm khuyết mà trẻ có thay vì chỉ cố gắng làm cho ngôn ngữ của trẻ trở nên bình thường), thay đổi môi trường làm giảm rào cản - tăng cường yếu tố thuận lợi và thay đổi hoặc làm giảm bớt các rối loạn.
Như vậy, ngay khi ba mẹ nghi ngờ con của mình có khó khăn về phát triển ngôn ngữ nên đưa trẻ đến ngay với các nhà chuyên môn để được lượng giá một cách kĩ lưỡng, chính xác và can thiệp kịp thời, đúng đắn cho trẻ. Khoa Tâm lý trị liệu, bệnh viện Lão khoa Phục hồi chức năng, với đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu được đào tạo bài bản, luôn là địa chỉ đáng tin cậy, sẵn sàng đồng hành cùng với những lo lắng của ba mẹ về vấn đề rối loạn phát triển ngôn ngữ của con. Hãy đến với chúng tôi hoặc gọi điện theo đường dây nóng 02036.510982 để được tư vấn và hỗ trợ.