THÔNG TIN DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH: PHCN VẸO CỔ CẤP
ĐẠI CƯƠNG:
Vẹo cổ cấp là một dạng đặc biệt của hội chứng cổ cục bộ, được xác định bởi sự bất thường của đầu không cân xứng so với vai do tăng trương lực cơ một bên cổ, gáy. Bệnh xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên hay gặp ở nhân viên văn phòng, người lao động nặng thường khởi phát đột ngột, hay tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
I. NGUYÊN NHÂN:
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên như:
- Tư thế cột sống cổ bị sai lệch quá lâu mà không có sự thay đổi khiến các cơ vùng cổ-vai bị co thắt.
- Nhiễm lạnh đột ngột: điều hòa, quạt gió thốc vào vùng cổ gáy, để đầu ướt đi ngủ.
- Quay cúi cổ đột ngột, nằm ngủ gối đầu cao…
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác: Như áp xe đường hô hấp trên, nhiễm trùng vùng tai-xoang hàm-răng,.. cũng gây nên bênh lý vẹo cổ cấp…
II. TRIỆU CHỨNG:
Người bệnh đau đột ngột vùng cổ vai, căng cứng cơ vùng cổ vai, đầu lệch vẹo sang một bên, hạn chế hoặc không quay đầu được, khi quay đầu bắt buộc phải quay cả thân người…
Đau có thể tại chỗ hoặc có thể đau lan xuống bả vai, tê bại cánh tay cùng bên. Có thể có điểm đau chói vùng cơ co cứng.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng:
- Giảm đau, giảm co rút co cứng cơ.
- Phục hồi tầm vận động cột sống cổ.
- Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày.
2. Các phương pháp Vật lý trị liệu-phục hồi chức năng:
Điều trị bằng nhiệt trị liệu: Hồng ngoại/ Paraphin: giúp giảm đau, giãn cơ, tăng cường chuyển hoá dinh dưỡng.
Hình ảnh điều trị bằng Parafin
Điện xung: Các dòng giảm đau cấp như TENS, Diadinamic…
Hình ảnh điều trị bằng máy điện xung
Hình ảnh điều trị bằng máy siêu âm
Hình ảnh điều trị bằng máy sóng ngắn
- Xoa bóp vùng vai gáy: Làm mềm cơ, giảm co cứng, giảm đau cơ vùng vai gáy
Hình ảnh điều trị bằng kĩ thuật xoa bóp vùng
- Tập luyện: Các bài tập cần được hưỡng dẫn cụ thể bởi các bác sĩ, kĩ thuật viên có chuyên môn. Các bài tập theo tầm vận động cột sống cổ, vai tay; Điều chỉnh tư thế cột sống cổ khi học tập, làm việc, sinh hoạt….
3. Điều trị thuốc
Tùy mức độ, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các thuốc sau:
-Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol (Tylenol, Efferalgan, Panadol, ...): Hoặc: Paracetamol kết hợp với codein ( Efferalgan – codein)…
-Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Có thể dùng liều thấp, ngắn ngày. Có thể dùng uống hoặc bôi ngoài ra.
-Thuốc giãn cơ: Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ. Các thuốc thường dùng: Epirisone, tolperisone,…
- Các Vitamin nhóm B .
IV. PHÒNG BỆNH
- Tư thế nằm ngủ: nằm ngửa với độ cao gối phù hợp, lưu ý khống quá cao, nằm nghiêng phải có kê đầu
- Khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy vi tính cần giữ cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu. Không nên ngồi làm việc quá lâu, nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút sau 45 – 60 phút làm việc
- Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ..
- Tránh gió lạnh đột ngột.
- Tập luyện và duy trì các động tác tập đúng cho cột sống cổ