Các dạng thuốc y học cổ truyền thường dùng
1. Thuốc thang:
Thuốc thang là dạng thuốc y học cổ truyền được cấu tạo từ các vị thuốc đã được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền và được bào chế bằng cách sắc với dung môi là nước sạch ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 100°C, cũng có thể ngâm với rượu ở nhiệt độ thường trong thời gian dài.
Đây là dạng thuốc rất thông dụng, được dùng rộng rãi để phòng và trị đối với tất cả các loại bệnh, đối với các lứa tuổi và các mùa khác nhau trong năm; dễ gia giảm theo triệu chứng của bệnh, do đó có thể mang lại hiệu quả trị bệnh cao; được hấp thu tương đối nhanh qua đường tiêu hóa.
2. Chè thuốc (thuốc hãm):
Chè thuốc là dạng thuốc rắn bao gồm một hay nhiều loại dược liệu đã được chế biến phân chia đến mức độ nhất định, đóng gói nhỏ và sử dụng dưới dạng nước hãm.
Chè thuốc có ưu điểm là bào chế đơn giản; vận chuyển bảo quản dễ, có thể sản xuất hàng loạt ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu rộng rãi của nhân dân. Chè thuốc sử dụng thuận tiện, khắc phục nhược điểm phải sắc của thuốc thang.
3. Thuốc tán (thuốc bột):
Thuốc tán là dạng bột khô tơi, để uống hoặc dùng ngoài, được điều chế từ một hay nhiều dược liệu (đã chế biến, sấy khô) bằng cách tán mịn, rây qua cỡ rây thích hợp và trộn đều.
Ngoài việc dùng điều trị trực tiếp, dạng bột còn là thành phẩm trung gian dùng để điều chế nhiều dạng khác nhau như cốm, viên, rượu... Đây là dạng thuốc trước kia được dùng tương đối phổ biến trong đông y. Những năm gần đây do sự phát triển của một số dạng thuốc khác đi từ bột như viên hoàn, viên nén, cốm...thì mức độ sử dụng của thuốc bột có giảm xuống.
4. Thuốc hoàn (thuốc viên tròn):
Thuốc hòan là dạng thuốc rắn, hình cầu, được chế từ bột thuốc và tá dược dính theo khối lượng quy định, dùng để uống.
So với các dạng thuốc lỏng dùng uống khác, thuốc hoàn hấp thu chậm hơn và tác dụng kéo dài hơn. Đây là dạng thuốc đã được nhân dân ta ưa dùng với nhiều chế phẩm ứng dụng như: “Thập toàn đại bổ hoàn”, “Hà xa đại tạo hoàn”, “Phì nhi cam tích hoàn”.
Thuốc hoàn sử dụng thuận tiện, dễ phân liều, dễ vận chuyển, thường dùng trong các bệnh mạn tính, bệnh đường ruột hay cần bồi dưỡng cơ thể.
5. Cốm thuốc:
Cốm thuốc là dạng thuốc dùng trong tây y. Nhưng trong quá trình nghiên cứu cải tiến các dạng thuốc cổ truyền, những năm gần đây nhiều dược liệu thảo mộc đã được chế thành dạng cốm. Thuốc cốm có thể tích nhỏ, giúp nâng cao hàm lượng hoạt chất của dược liệu, phát huy tác dụng điều trị của thuốc, do có một tỷ lệ lớn đường hay mật, thuốc cốm có mùi vị dễ uống, dễ dùng cho trẻ em.
6. Rượu thuốc:
Rượu thuốc là những chế phẩm lỏng điều chế bằng phương pháp chiết xuất dược liệu thảo mộc, động vật với rượu, dùng thể uống, đôi khi dùng ngoài.
Rượu thuốc điều chế đơn giản, tác dụng nhanh, dễ bảo quản, nhu cầu sử dụng khá lớn; nhưng một số người không dùng được rượu, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em.
7. Cao thuốc:
Thuốc được đem đun sắc thành nước, rồi đem cô đặc lại thành thể keo, gọi là thuốc cao. Chia thành 2 loại: Thuốc uống trong (hay dùng dạng cao lỏng) hoặc dùng ngoài (cao mềm, cao cứng hoặc cao dán).
Ngoài ra còn có một số dạng thuốc khác như thuốc dầu, đơn, đỉnh.
Hiện nay, các bài thuốc Y học cổ truyền được bào chế thành các thuốc thành phẩm dạng siro, viên nang, viên bao phim...phù hợp với mục đích sử dụng của người bệnh.
Tại bệnh viện Lão khoa Phục hồi chức năng, thuốc thang y học cổ truyền được sắc và đóng túi bằng máy sắc thuốc tự động, sử dụng rất tiện lợi và đem lại hiệu quả cho người bệnh.
Khoa Y học cổ truyền
Tài liệu tham khảo:
1. Bào chế Đông dược - Đại học Y Hà Nội
2. Kỹ thuật chế biến vả bào chế thuốc cổ truyền - Đại học Dược Hà Nội