Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở người cao tuổi - đừng xem nhẹ!
NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bất kỳ vị trí nào thuộc hệ thống đường tiết niệu. Nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như abces quanh thận, nhiễm khuẩn huyết hoặc tiến triển thành các viêm nhiễm mạn tính, suy thận.
I. NGUYÊN NHÂN
- Phần lớn nhiễm khuẩn tiết niệu là do vi khuẩn.
- Ngoài ra, còn có thể do nhiễm nấm.
- Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm khuẩn tiết niệu gồm:
+ Người bất thường bẩm sinh đường tiết niệu.
+ Người tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi, u xơ tiền liệt tuyến, ung thư…
+ Người suy giảm miễn dịch.
+ Người sử dụng ống thông tiểu kéo dài hoặc thực hiện các thủ thuật trên hệ tiết niệu.
- Ở phụ nữ, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 30 lần nam giới.
II. TRIỆU CHỨNG
Tuỳ thuộc vào bộ phận của đường tiết niệu bị viêm nhiễm, triệu chứng có thể thay đồi:
1. Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới (niệu đạo, bàng quang)
- Tiểu buốt, tiểu rắt, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Tiểu đục, có thể lẫn máu, mùi hôi.
- Đau tức vùng hạ vị.
- Có thể có sốt hoặc không.
2. Nhiễm trùng đường tiết niệu trên (thận – viêm đài bể thận)
- Triệu chứng toàn thân thường rầm rộ: sốt cao, rét run, môi khô lưỡi bẩn, hội chứng nhiễm trùng rõ, có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
- Đau tức vùng lưng, vùng hố thận 2 bên.
- Có thể có kèm theo triệu chứng của đường tiết niệu dưới.
III. ĐIỀU TRỊ
Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, vị trí (niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận) và đối tượng bệnh nhân (phụ nữ, nam giới, trẻ em, phụ nữ có thai).
Nguyên tắc: loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, giảm triệu chứng nhanh chóng, ngăn ngừa biến chứng và tái phát.
IV. DỰ PHÒNG
Các biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu:
1. Uống đủ nước mỗi ngày
- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày - ưu tiên nước lọc, nước ép không đường.
- Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay sau khi quan hệ.
- Giữ nước tiểu quá lâu sẽ cho vi khuẩn thời gian sinh sôi. Đi tiểu sau khi quan hệ giúp loại bỏ vi khuẩn có thể đã xâm nhập qua đường niệu đạo – đặc biệt quan trọng với phụ nữ.
2. Vệ sinh đúng cách mỗi ngày
- Rửa vùng kín bằng nước ấm, tránh dùng sản phẩm có hương liệu mạnh.
- Phụ nữ: Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh.
- Cả nam và nữ: Thay đồ lót hàng ngày, giữ vùng kín luôn khô thoáng.
3. Mặc đồ thoáng mát
Đồ lót cotton, quần áo rộng rãi giúp hạn chế độ ẩm – môi trường ưa thích của vi khuẩn. Tránh mặc đồ ẩm, đặc biệt sau khi bơi hoặc tập thể dục.
4. Cẩn trọng với sản phẩm gây kích ứng
Các loại xà phòng, dung dịch vệ sinh, nước hoa vùng kín có thể khiến da nhạy cảm tổn thương - từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Hãy chọn sản phẩm dịu nhẹ, không mùi, không hóa chất.
5. Ăn uống lành mạnh – tăng sức đề kháng
- Tăng rau xanh, trái cây giàu vitamin C như cam, dâu, kiwi…
- Thêm sữa chua hoặc thực phẩm chứa probiotic để bảo vệ hệ vi sinh.
- Hạn chế thực phẩm nhiều đường và đồ ăn nhanh.
- Dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ: Bao cao su không chỉ phòng bệnh lây qua đường tình dục mà còn giúp ngăn nhiễm khuẩn tiết niệu, vệ sinh sạch sẽ trước - sau khi quan hệ.
6. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh
Lạm dụng kháng sinh sẽ tạo ra vi khuẩn kháng thuốc gây khó chữa hơn gấp nhiều lần. Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ. Nếu bạn hay bị tái phát, hãy đến bác sĩ để được hướng dẫn dự phòng an toàn.
Đừng chần chừ, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường sau: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần; Nước tiểu đục, hôi, hoặc có máu; Đau vùng thắt lưng hoặc bụng dưới.
Khoa Nội tổng hợp