Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý và phương pháp điều trị

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có xu hướng ngày một tăng. Rối loạn này thường có thể chẩn đoán trong giai đoạn thơ ấu, trong nhiều trường hợp nó vẫn kéo dài đến tuổi trưởng thành, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và các mối quan hệ xã hội của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều nhận thức sai lầm về chứng tăng động giảm chú ý. Vì vậy, hiểu rõ về cách tiếp cận và điều trị là chìa khóa tốt nhất để kiểm soát và chữa trị chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Hầu hết những đứa trẻ đều có những lúc nghịch ngợm, tăng động. Trẻ có thể liên tục đi lại, gây tiếng ồn không ngừng, không chịu chờ đến lượt, hoặc không thể tập trung hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, đối với đa số trẻ, những hành vi kiểu này không phải là vấn đề thường xuyên. 

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder viết tắt là ADHD) có các vấn đề về hành vi thường xuyên và nghiêm trọng đến mức cản trở khả năng sống bình thường của trẻ. Đặc trưng của hội chứng này là sự hấp tấp, hiếu động thái quá (tăng động) đi kèm với việc suy giảm khả năng chú ý, tập trung. Đây là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý từ 4% - 6%, trong đó trẻ nam mắc cao hơn gấp 3 lần trẻ gái. Các rối loạn đi kèm thường gặp: Rối loạn chống đối, rối loạn ứng xử, rối loạn tic, rối loạn lo âu, trầm cảm, các khuyết tật học tập.

2. Nguyên nhân dẫn đến chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

Mặc dù cộng đồng y tế vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân nào giải thích các triệu chứng của tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng ADHD có thể bắt nguồn từ một gen liên quan đến việc tạo ra dopamine, một chất hóa học kiểm soát khả năng duy trì sự chú ý thường xuyên và nhất quán của não. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: Khi mẹ mang thai nghiện thuốc lá, rượu, ma túy;Trẻ sinh non tháng, thiếu oxi lúc sinh (bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ; Lo lắng, rối loạn tâm thần, những biến cố trong giai đoạn ấu thơ, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình, xem quá nhiều ti vi, điện thoại cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý.

3.  Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tăng động giảm chú ý (ADHD)

Để nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý, có thể qua những dấu hiệu chính như:

- Hoạt động thái quá: Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác...

- Tập trung chú ý kém: Khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi. Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp hoặc đưa ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; không thể hoàn thành bài tập ở trường và ở nhà; dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.

- Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức.

- Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu...

Ngoài ra trẻ còn có các biểu hiện về tâm lý như  thiếu tự tin trong giao tiếp với bạn bè và thầy cô, lo lắng và nóng nảy kèm theo nhịp tim nhanh, thở nhanh, chóng mặt, rối loạn cảm xúc…hay khiêu khích, gây sự, thái độ thù ghét, hung tợn…Trẻ gặp rắc rối trong học tập: do độ tập trung ở trẻ kém nên kết quả học tập ở trẻ ADHD kém và thường tiến bộ chậm. Trẻ khó khăn về đọc, về viết. 20% trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.

Tuy chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) không liên quan gì đến trí thông minh hay tài năng. Nhiều trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn thể hiện những đặc điểm tích cực như: Sáng tạo, nhiệt tình, năng nổ và nhiều năng lượng... Nhưng các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám để phát hiện và can thiệp bệnh sớm nhất có thể, hiệu quả kiểm soát và đẩy lùi chứng bệnh tăng động giảm chú ý sẽ cao hơn.

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được đánh giá và lập kế hoạch điều trị kịp thời, những nội dung thăm khám bao gồm:

- Khám thần kinh, nội khoa toàn diện.

- Đánh giá triệu chứng theo tiêu chuẩn chẩn đoán.

- Thực hiện một số trắc nghiệm tâm lý: thang tăng động Vanderbilt, thang cảm xúc hành vi CBC-L, trắc nghiệm trí tuệ Raven (hoặc WISC I-V).

4. Điều trị cho trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Điều trị ADHD ở trẻ em cần có các biện pháp can thiệp y tế, liệu pháp hành vi và tâm lý. Cách tiếp cận điều trị toàn diện này thường được gọi là "đa phương thức" và việc điều trị phải phù hợp với trẻ và gia đình, có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và cơ sở điều trị.

4.1 Sử dụng thuốc:

Là các nhóm thuốc giúp giảm sự tăng hoạt động và tăng độ tập trung chú ý cho trẻ, bao gồm:

- Nhóm thuốc kích thần (Concerta, Ritalin…).

- Clonidine.

- Nhóm an thần kinh (Risperdal).

Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ. Khi gặp tác dụng không mong muốn (rối loạn ăn, ngủ, đau đầu…), cha mẹ cần liên lạc với bác sĩ và tuân thủ theo hướng dẫn.

4.2 Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi là một trong những biện pháp quan trọng trong việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Liệu pháp này được thực hiện dựa trên nguyên tắc củng cố những hành vi tốt thông qua các yêu cầu, chỉ dẫn rõ ràng. Với những hành vi không mong đợi, chuyên gia/cha mẹ phớt lờ hoặc đưa ra các biện pháp xử phạt phù hợp với tâm lý cụ thể của từng trẻ.

Liệu pháp hành vi sẽ được thực hiện đồng thời bởi chuyên gia điều trị và gia đình. Qúa trình trị liệu hành vi cho trẻ sẽ diễn ra trong vài tuần thậm chí là vài tháng tùy theo diễn biến tâm lý và khả năng nhận thức của từng trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được can thiệp thêm bằng một số liệu pháp hỗ trợ khác để rèn luyện kỹ năng cá nhân, xã hội và phát huy những tiềm năng của bản thân.

4.3 Biện pháp tâm lý

Một số biện pháp hỗ trợ tâm lý mà cha mẹ có thể sử dụng để can thiệp chứng tăng động giảm chú ý cho trẻ: Giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt. Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội; giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi… Không nên chơi những trò chơi dễ kích thích tinh thần hay ngoài tầm kiểm soát của trẻ.

Ngoài ra, liệu pháp xoa bóp, matxa đặc biệt có lợi giúp thư giãn đối với những thanh thiếu niên bị chứng ADHD. Trẻ được điều trị bằng phương pháp massage thư giản giúp trẻ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn.

Kết luận

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cần được thăm khám, phát hiện và can thiệp sớm. Nếu để muộn (đến tuổi vị thành niên), vấn đề trở nên rất khó khăn do trẻ học tập kém, rối loạn các mối quan hệ với bạn bè và người xung quanh, kém tự tin, mặc cảm hoặc nhiễm các thói hư tật xấu, có hành vi chống đối xã hội. Do vậy, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở thăm khám và điều trị khi nhận thấy con có các dấu hiệu nghi ngờ mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý.

Danh sách tài liệu tham khảo:

1. “Về chứng rối loạn tăng động giảm chú ý” của các tác giả: Anthony de Freitas, Isabel Meneghetti Coimbra, Julia Marrone Castanho, Guilherme V Polanczyk & Luis Augusto Rohde trên ấn phẩm: Sách giáo khoa Sức khỏe Tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên (2020) do Hiệp hội quốc tế và tâm thần học trẻ em và vị thành niên (IACAPAP) phát hành, người dịch: Trần Kim Phú.

2. “Mối liên hệ giữa trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu với chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của ADHD” (2017) của nhóm tác giả Brown N, Brown S, Briggs R

3. Bài viết: “Những tips nuôi dạy trẻ tăng động giảm chú ý” – Viện Tâm lý học Việt Pháp Việt Nam

4. Cẩm nang về chứng rối loạn tăng động giảm chú ý - cuốn sách dành cho cha mẹ khi nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con mắc ADHD, biên soạn: Ngụy Hữu Tâm, Nhà xuất bản Y học.

Nguồn: Sưu tầm tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip