Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Parkinson và phương pháp điều trị

Parkinson là bệnh lý thoái hoá thần kinh mạn tính, thường gặp ở người cao tuổi với độ tuổi khởi phát trung bình 58-60 tuổi. Ngày nay, xu  hướng mắc bệnh ngày càng tăng lên do tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

Trong giai đoạn đầu, bệnh Parkinson có thể gây ra các triệu chứng liên quan ở một bên cơ thể, tuy nhiên biểu hiện thường không quá rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan không đi khám, ở giai đoạn nặng dẫn đến tàn tật, ảnh hưởng nặng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các biểu hiện hay gặp ở giai đoạn sớm có thể kể đến là: run, cử động khó khăn, tê cứng một bên cơ thể…

1. Run

Biểu hiện ban đầu phổ biến của bệnh Parkinson là run khi nghỉ, thường gặp ở bàn tay, bàn chân, thi thoảng có thể xảy ra ở môi, lưỡi, cằm. Biểu hiện run sẽ tăng lên khi căng thẳng, xúc động, mệt mỏi, giảm khi vận động và biến mất khi ngủ.

2. Giảm biểu cảm khuôn mặt

Bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu có thể ảnh hưởng đến biểu cảm tự nhiên trên khuôn mặt với biểu hiện đông cứng mặt giống như “mặt nạ” (hypomimic), ít biểu lộ cảm xúc và ít nháy mắt. 

3. Biểu hiện cứng,  giảm vận động và thay đổi tư thế

Người bệnh Parkinson gặp khó khăn khi bắt đầu động tác, không thể vận động nhanh và các thao tác trở nên kém linh hoạt hơn. Lúc đầu, tư thế sẽ có những thay đổi nhỏ, dần dần bệnh nhân có xu hướng nghiêng về phía trước và cúi xuống do mất trọng tâm cơ thể. Dần dần, người mắc Parkinson sẽ có những thay đổi về cử động dễ dàng nhận ra như di chuyển chậm, hai chân như dán trên mặt đất, bước chân ngắn, dừng lại đột ngột, đi lại khó khăn, khó bước lên bậc thang hoặc lên xuống đoạn đường dốc, khó giữ thăng bằng, dễ bị té ngã, giảm hoặc không đung đưa cánh tay khi đi bộ.

4. Thay đổi giọng nói

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có sự thay đổi giọng nói tuy nhiên khó nhận biết. Các biểu hiện sớm thường gặp như tông giọng trầm, giọng nhẹ hơn, giọng khàn hoặc biến âm nhẹ. Lâu dần, người bệnh Parkinson sẽ có các biểu hiện như nói chậm, phát âm thì thào, lặp đi lặp lại các từ, hoặc khó khan khi mở miệng nói.

5. Biểu hiện ở chữ viết

Người bệnh Parkinson gặp rắc rối trong việc kiểm soát chuyển động, nhất là các cử động tinh vi như viết trở nên khó khăn hơn. Động tác viết trở nên chậm, nét chữ nhỏ, khoảng cách giữa các chữ cũng sát nhau hơn.

6. Rối loạn giấc ngủ

Đây cũng là triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh Parkinson. Nguyên nhân có thể do người bệnh bị trầm cảm, dẫn đến buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, mất ngủ cũng có thể là tiểu đêm thường xuyên khiến người bệnh khó quay trở lại giấc ngủ hoặc người bệnh không thể quay trở lại giường được.

Các triệu chứng khác có thể gặp như:

  • Những thay đổi tâm trạng: trầm cảm, mệt mỏi, tính cách thay đổi thất thường, suy giảm ham muốn tình dục, huyết áp giảm đột ngột, suy giảm khứu giác.
  • Khó nhai và nuốt
  • Khó tiêu, táo bón
  • Sa sút trí tuệ, ảo tưởng và ảo giác.

Các biện pháp thường được áp dụng để điều trị, ngăn ngừa bệnh trở nặng gồm có:

Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho người mắc bệnh Parkinson sử dụng một số loại thuốc như thuốc đồng vận dopamine (rotigotine, pramipexole, apomorphine, ropinirole…), thuốc thay thế dopamine (madopar, syndopa, sinemer…), thuốc ức chế dị hóa dopamine (selegiline, tolcapone…), thuốc kháng cholinergic (benztropine)…

Bên cạnh đó, người bệnh có thể được bác sĩ tư vấn kết hợp các biện pháp phục hồi chức năng (trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu, tập yoga, tập dưỡng sinh…) và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Trong đó, một số nguyên tắc dinh dưỡng người mắc bệnh Parkinson cần lưu ý bao gồm ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa ( trà xanh, cà chua, súp lơ, cà rốt,… ) giúp chống oxy hóa, làm chậm quá trình thoái hóa não bộ ở bệnh nhân Parkinson), dopamine (chuối, các loại hạt, các loại đậu), omega-3 ( cá hồi, cá ngừ, cá thu ) và chất xơ, đồng thời tránh tiêu thụ dư thừa protein, hạn chế dùng thực phẩm nhiều đường, chất kích thích…

Trường hợp sử dụng thuốc không thể cải thiện các dấu hiệu bệnh Parkinson, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân mắc chứng Parkinson bao gồm phẫu thuật định vị, phẫu thuật kích thích điện vùng liềm đen – thể vận và ghép mô thần kinh.

 Parkinson là một bệnh lý thần kinh mạn tính có nguy cơ gây tàn tật vĩnh viễn Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Người bệnh Parkinson hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý Parkinson đăng kí khám tại phòng khám Nội 2 khoa Khám bệnh- cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa- Phục hồi chức năng, người bệnh sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn về sức khỏe.

Địa chỉ: Khu Minh Khai, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hotline: 0349.961.766.

Khoa Thần kinh - Cơ xương khớp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip