Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa rất nhiều năm, nhưng đến bây giờ, nỗi đau mang tên “da cam” vẫn chưa thể nguôi ngoai. Biết bao con người, bao thế hệ còn đang chiến đấu với bệnh tật. Có người bị dị tật, tâm thần từ nhỏ. Có người mãi đến khi trưởng thành mới bị căn bệnh quái ác ấy tàn phá cơ thể, khiến cả gia đình ngày đêm day dứt…

Nhắc đến ông Triệu Minh Điền (SN 1950), có lẽ ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, chẳng ai là không biết đến. Mọi người thương cảm cho gia đình ông vì hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Bản thân ông Điền đang bị ung thư phổi, mỗi tháng ông phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị một lần. Còn vợ ông, bà Hà Thị Thìn cũng mới bị tai biến mạch máu não. Nhưng những lúc ông Điền vắng nhà, bà cũng vẫn phải thay ông chăm sóc 3 cậu con trai bị tâm thần.

Tiếc là chúng tôi đến thăm gia đình ông Điền đúng ngày ông đi bệnh viện để điều trị căn bệnh ung thư. Đưa chúng tôi đến nhà ông Điền, ông Đàm Công Tiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tiên Yên, chia sẻ: “Hoàn cảnh nhà ông Điền rất khó khăn. Ông Điền trước đi bộ đội ở miền Trung. Ông có 4 người con thì có 3 đứa bị thiểu năng trí tuệ. Mấy đứa cứ đi lang bạt suốt ngày. Có khi tụi nó đi 2, 3 ngày vào rừng, ông Điền già yếu cũng vẫn phải vào tìm rất vất vả”.

Anh Thắng, con trai ông Triệu Minh Điền thường xuyên đi lang bạt
Anh Thắng, con trai ông Triệu Minh Điền thường xuyên đi lang bạt khắp nơi.

Căn nhà của gia đình ông Điền tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì nhiều. Trong nhà, vật quý giá nhất có lẽ cũng chỉ là chiếc ti vi. Thấy chúng tôi tới, ba cậu con trai của ông Điền liên tục đi lại, chẳng chịu ngồi yên, cứ cười hềnh hệch, rồi chẳng ai làm gì cũng tự nhiên tức giận, cáu bẳn.

Bà Thìn, vợ ông Điền tâm sự: “3 đứa con trai nhà tôi bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Chúng nó lớn mà không khôn. Cả cuộc đời vợ chồng tôi đã quá mệt mỏi với 3 đứa. Nhưng biết làm sao, con mình, không buông bỏ được. Chỉ sợ nay mai, chồng tôi yếu, mất đi, một mình tôi có lẽ không thể trông, chăm sóc được 3 đứa. Rồi chẳng biết phải đưa tụi nó đi đâu. Bây giờ chúng ba bốn chục tuổi rồi mà tôi vẫn còn phải lau mặt, lau người cho mấy đứa như những đứa trẻ”.

Ông Nguyễn Đại Số, phường Hà Lầm, TP Hạ Long phải chằng chịt kỹ lưỡng đồ đạc để con không đập phá
Ông Nguyễn Đại Số, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, phải chằng buộc kỹ lưỡng ti vi để con không đập phá.

Tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Điền vẫn chưa thể nghỉ ngơi vì phải chăm sóc 3 cậu con trai tâm thần. Ông Điền bị ung thư phổi, không biết còn sống được đến khi nào. Mệt là vậy, nhưng những lần đi điều trị trong bệnh viện, ông toàn phải tự đi một mình. Bà Thìn, vợ ông ở nhà tranh thủ đi nhặt ve chai để bán kiếm ít tiền mua thức ăn cho gia đình. Tâm sự với chúng tôi mà bà Thìn cũng rơm rớm nước mắt. Bà khóc vì thương người chồng già yếu đang phải chống chọi lại với bệnh tật, thương chính bản thân mình đã phải chịu cơ cực hơn 40 năm nay và còn thương cho 3 đứa con trai dứt ruột đẻ ra cứ ngơ ngẩn, ngày đêm đi lang thang.

Đó lại là một câu chuyện khác, của gia đình ông Nguyễn Đại Số (SN 1940), phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Điều đầu tiên mà chúng tôi nhớ trong đầu khi đến nhà ông chính là những chiếc khóa và rất nhiều đoạn dây buộc chằng chịt. Sở dĩ ông Số phải trang bị hàng chục chiếc khóa là vì người con gái cả của ông, chị Nguyễn Thị Hải (SN 1975), bị tâm thần, ngày đêm đập phá đồ đạc trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hải, con ông Số bị tâm thần, thường xuyên đập phá đồ đạc
Chị Nguyễn Thị Hải, con ông Số bị tâm thần, thường xuyên đập phá đồ đạc.

Ông Nguyễn Đại Số trăn trở: “Tôi đi bộ đội ở Quảng Trị. Sau đó về Quảng Ninh, tôi lấy vợ và có hai đứa con. Đứa lớn là cái Hải, thằng bé tên là Hà (SN 1979). Hồi bé, chúng nó phát triển bình thường. Mãi đến khi 6, 7 tuổi, căn bệnh quái ác da cam mới phát ra. Con bé Hải nay đã 43 tuổi, nhưng vẫn luôn khiến vợ chồng tôi đau đầu. Mấy chục năm nay, tôi chưa có một đêm nào ngon giấc. Cả ngày lẫn đêm tôi đều phải chằng buộc cẩn thận đồ đạc trong nhà. Cái Hải đã phá của tôi hai chiếc ti vi, 1 tủ lạnh và rất nhiều vật dụng khác. Nó cứ lúc tỉnh lúc điên. Xung quanh nhà tôi cũng phải chằng buộc kỹ lưỡng không thì nó nhảy ra ngoài bờ tường bất cứ khi nào. Từ cái tủ bếp, tủ đồ, tủ quần áo… tôi cũng phải khóa hết. Cầu thang để lên gác xép, tôi cũng phải khóa”.

Ông Số chia sẻ thêm, mỗi ngày con gái ông phải uống 8 viên thuốc ngủ để tránh ban đêm dậy đập phá đồ đạc. Con trai út của ông cũng phải uống 4 viên thuốc an thần để đỡ phát bệnh, cười nhiều vào ban đêm. Tuy nhiên, dường như đã uống quá nhiều nên cả hai đều đã kháng thuốc. Thi thoảng, ban đêm, cả chị lẫn em đều dậy bật điện, đập phá, la hét ầm ĩ. Có lúc, mùa đông, chị Hải mở được cửa, phi ra ngoài sân, lấy nước giếng dội vào người ướt sũng rồi trèo lên giường đắp chăn. Hai người con mà đã thức thì vợ chồng ông Số cũng chẳng thể ngủ được.

Nhà ông Số luôn có rất nhiều khóa
Nhà ông Số luôn có rất nhiều khóa.

Bản thân ông Số cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam, người ông nổi đầy những chấm đen to như mụn ruồi. Ông bảo, cứ gãi ngứa là người lại nổi đầy những nốt mụn như vậy. Còn con trai út của ông, lấy vợ có cô con gái xinh lắm. Nhưng rồi, thấy con ông lúc giở, lúc điên, cô vợ ấy lại bỏ, mang cả đứa con đi. Những lúc tỉnh táo, anh Hà cũng kêu nhớ con, trông rất đáng thương nhưng khi gặp được con gái, anh mà lên cơn thì cũng chẳng biết gì, cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn.

Ông Đào Trọng Vường, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Hà Lầm, TP Hạ Long, chia sẻ: “Vợ chồng ông Số quá khổ. Mọi người trong khu phố đều rất thương cảm cho vợ chồng ông. Chúng tôi cũng thường xuyên qua thăm hỏi, động viên để vợ chồng ông có thêm nghị lực, vượt qua nỗi đau”.

Số phận của những gia đình như ông Điền, ông Số thật đáng thương, cần được sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội. Rời khỏi những căn nhà ấy, chúng tôi vẫn không khỏi day dứt. Liệu mai đây, khi thế hệ vợ chồng hai ông mất đi, ai sẽ là người chăm sóc những người con bệnh tật, thiểu năng trí tuệ ấy. Dù đã già yếu, nhưng những người làm cha, làm mẹ như họ vẫn chưa thể an nhiên, tự tại. Ai là người sẽ tắm rửa, nấu cơm cho chị Hải, anh Hà, anh Tuất, anh Thắng, anh Hưng… Những câu hỏi ấy giờ chỉ có thể bỏ ngỏ.

Được biết, ngoài gia đình ông Điền, ông Số, trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều trường hợp nhiễm chất độc hóa học đáng thương, đang từng ngày phải chống chọi lại với bệnh tật. Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 230 hộ với gần 300 nạn nhân chất độc da cam bị bệnh tật, dị dạng, dị tật nặng không tự lực được. Còn rất nhiều hộ gia đình hiện vẫn còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, không có nhà tắm, hố tiêu hợp vệ sinh, chưa được sử dụng nguồn điện thường xuyên và an toàn. Nhiều hộ có con, cháu từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi hiện không đi học”.

Có thể thấy, nỗi đau của những gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hệ quả mà nó để lại vẫn còn quá nhiều. Hơn ai hết, họ cần được sẻ chia, cảm thông, hỗ trợ của toàn xã hội.


Nguồn:www.benhvienphuchoichucnangquangninh.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip