Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng giá viện phí từ 1/10/2017: Người dân cần sớm tham gia BHYT

Từ ngày 1/10/2017, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

 
 
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tư vấn về giá dịch vụ y tế cho bệnh nhân không có thẻ BHYT.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn về giá dịch vụ y tế cho bệnh nhân không có thẻ BHYT.

Theo đó, cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) được xây dựng bao gồm 4 nhóm yếu tố: Chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật...

Quảng Ninh sẽ có 1.929 danh mục dịch vụ KCB được điều chỉnh tăng giá, với mức tăng vào khoảng 20-30% theo quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Như vậy, bệnh nhân có thẻ BHYT đã được Quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí KCB, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng, còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả 100% chi phí KCB. Đây sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày.

Ông Hoàng Văn Tân, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên phải điều trị 2 đợt kéo dài gần 2 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị hở van tim 2 lá nặng. Ông Tân cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ được bác sĩ thực hiện phẫu thuật kỹ thuật cao với chi phí lên tới 80 triệu đồng/ca, tuy nhiên, Quỹ BHYT đã thanh toán 60 triệu đồng, còn lại gia đình chi trả. Như vậy, gánh nặng về chi phí y tế của tôi đã được giảm nhẹ rất nhiều”. Ngoài ông Tân, chúng tôi trò chuyện với nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về việc tăng viện phí, hầu hết mọi người cảm thấy an tâm vì đã tham gia BHYT.

Song song với tăng giá viện phí, các bệnh viện cũng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cấp, sửa chữa Khoa Xét nghiệm để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng còn không ít trường hợp chưa tham gia BHYT tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi giá viện phí tăng. Như bà Nguyễn Thị Ngần, thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ đi khám bệnh mà không có BHYT. Bà Ngần cho biết: “Từ trước đến nay, tôi ít khi bị bệnh nên không quan tâm lắm đến việc mua thẻ BHYT. Với lần khám bệnh này, tôi chỉ mất gần 500 nghìn đồng, nhưng theo tư vấn của bác sĩ lần khám tới vào tháng 10 thì chi phí này tăng gần gấp đôi”. Không riêng bà Ngần mà còn 9,8% dân số (tức khoảng 123.000 người dân) Quảng Ninh chưa tham gia BHYT, đồng nghĩa với việc, khi áp dụng giá viện phí mới, người chưa có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 100% giá dịch vụ y tế.

Tại các cơ sở y tế có giường bệnh trên địa bàn tỉnh, công tác chuẩn bị cho việc tăng viện phí sắp tới đã sẵn sàng. Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện đã thực hiện tuyên truyền, tập huấn, phổ biến nội dung quy định về tăng viện phí mới áp dụng cho đối tượng không có thẻ BHYT đến tất cả cán bộ liên quan để thu đúng theo giá dịch vụ đã được cấp có thẩm quyền quết định. Bệnh viện cũng sẵn sàng cập nhật giá thu trên phần mềm công nghệ thông tin để khi áp dụng giá viện phí mới sẽ in hóa đơn cho bệnh nhân đúng theo quy định. Các bảng niêm yết công khai giá dịch vụ theo Nghị quyết số 59 sẽ treo ở các vị trí dễ nhìn để bệnh nhân có thể kiểm tra, đối chiếu và kiểm soát giá dịch vụ. Chúng tôi cũng chỉ đạo các y, bác sĩ tích cực tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân hiểu và nắm được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, giải thích cho bệnh nhân chưa có BHYT nên tham gia BHYT để được giảm chi phí khi KCB.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nắm rõ chủ trương tăng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư 02, Nghị quyết số 59. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn, các đơn vị cũng đang tích cực sửa chữa khoa khám bệnh; mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh; điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám, không để người bệnh chờ lâu. Cải tiến khu vực đón tiếp, thu và thanh toán viện phí để giảm thời gian chờ đợi. Các đơn vị cũng tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao y đức và tinh thần, thái độ phục vụ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng KCB, sao cho đi đôi với việc điều chỉnh giá dịch vụ là tăng chất lượng phục vụ người bệnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip