Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết sớm và điều trị sớm cho trẻ bại não

Bại não là gì?

Bại não là một thuật ngữ chung mô tả một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, cảm nhận, nhận thức, giao tiếp và hành vi, với động kinh và các vẫn đề cơ xương thứ phát.

Dấu hiệu phát hiện sớm bại não khi 6 tháng tuổi:

  • Bốn dấu hiệu chính

− Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt đứng.

− Trẻ không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp không ngẩng đầu.

− Hai tay trẻ luôn nắm chặt.

− Hai tay trẻ không biết với cầm đồ vật.

 

  • Bốn dấu hiệu phụ

− Không nhận ra khuôn mặt mẹ.

− Ăn uống khó khăn.

− Không đáp ứng khi gọi hỏi.

− Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.

  • Một số dấu hiệu khác

− Mềm nhẽo sau sinh.

− Không nhìn theo đồ vật.

− Không quay đầu theo tiếng động.

− Co giật.

Khi nào nên can thiệp?

      Ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, cần được khám ngay bác sĩ nhi, thần kinh, phục hồi chức năng để được chẩn đoán xác định bại não và xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp.

      Khoa Tâm lý trị liệu, bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng với đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ bại não. Tại đây, trẻ sẽ được điều trị toàn diện với các phương pháp can thiệp bao gồm:

1. Vật lý trị liệu (Physiotherapy)

Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ cải thiện khả năng vận động, cân bằng và kiểm soát cơ bắp. Một số bài tập phổ biến: Các kỹ thuật tạo thuận; Kỹ thuật kiểm soát tư thế; Kỹ thuật kéo giãn để tránh các thương tật thứ cấp; Sử dụng thiết bị hỗ trợ như: nẹp chân hoặc khung tập đi; Sử dụng các phương pháp điện trị liệu, nhiệt trị liệu.

 

2. Ngôn ngữ trị liệu (Speech therapy)

Trẻ bại não có thể gặp khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp trẻ: Cải thiện khả năng phát âm và giao tiếp; Sử dụng phương pháp hỗ trợ giao tiếp nếu cần; Tập nuốt để tránh sặc khi ăn uống.

3. Hoạt động trị liệu (Occupational therapy)

Phương pháp này giúp trẻ học cách tự thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, ăn uống, viết hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp.   

 

4. Hỗ trợ tâm lý và giáo dục

Trẻ bại não có thể gặp khó khăn trong học tập và phát triển cảm xúc. Các hoạt động vui chơi và học tập cùng nhóm bạn có thể giúp trẻ cải thiện tốt vấn đề này.

Việc điều trị bại não là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì từ gia đình và đội ngũ y tế. Việc phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ giúp quá trình can thiệp đạt hiệu quả hơn.

BS Đinh Huyền - Khoa Tâm lý trị liệu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip