Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì khi phát hiện con có dấu hiệu tự kỷ?

Khi phát hiện con có các dấu hiệu tự kỷ, tất cả cha mẹ đều hoang mang, lo lắng, một số người rơi vào trạng thái trầm cảm. Bạn không biết phải làm gì, bối rối bởi quá nhiều lời khuyên hay khi nghe rằng không thể chữa khỏi tự kỷ khiến bạn bế tắc vì không thể làm gì cho con.

Có nhiều phương pháp can thiệp giúp trẻ học được các kỹ năng, vượt qua các trở ngại trong cuộc sống. Với một kế hoạch can thiệp đúng đắn và tình yêu thương, con bạn vẫn có thể đi học và hòa nhập cộng đồng.

1. Hãy đưa con bạn đến gặp các chuyên gia để có nhận định chính xác về tình trạng của trẻ

Mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể độc lập, có thể biểu hiện tính tự kỷ ở những mức độ, tính chất, hình thái khác nhau. Các nhà chuyên môn sẽ có những thang điểm phù hợp để khám, đánh giá tình trạng của con bạn.

Tại Đơn nguyên Tâm bệnh của Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh, trẻ sẽ được khám bởi đội ngũ cán bộ y tế đã được đào tạo bài bản bằng các công cụ đánh giá theo quy định của Bộ Y tế để đi đến kết luận chính xác nhất về tình trạng của trẻ, đưa ra danh sách những việc cần làm đối với phụ huynh/người chăm sóc trẻ và xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp với từng trẻ để đạt được những mục tiêu nhất định.

2. Xây dựng môi trường thích hợp để hỗ trợ những kỹ năng trẻ còn khiếm khuyết

Một số trẻ nghi ngờ mắc chứng tự kỷ và được các chuyên gia xác định có những khiếm khuyết nhất định cần được tạo dưng một môi trường thích hợp để thay đổi, hoàn thiện các kỹ năng. Trong những điều kiện môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến trẻ chính là môi trường tiếp xúc của bé. Thay vì để trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như TV, điện thoại, máy tính bảng… phụ huynh nên trao đổi, giao tiếp nhiều hơn với trẻ, chơi các trò chơi phù hợp lứa tuổi cùng trẻ, cho trẻ tham gia các trò chơi vận động ngoài trời, đưa trẻ đến những nơi đông người. Đặc biệt, tạo dựng môi trường để trẻ có thể tương tác với các bạn cùng lứa tuổi: đi nhà trẻ, cho con chơi với nhóm bạn tại nhà…

3. Hiểu đúng về chứng tự kỷ

Tự kỷ, hay gọi đầy đủ hơn là “Các dạng rối loạn trong hiện tượng tự kỷ” bao gồm 5 loại khác nhau: Rối loạn tự kỷ sớm; Hội chứng Aperger; Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu; Hội chứng Rett và Rối loạn nhân cách tuổi ấu nhi. Xem đây là một “hội chứng” thì chính xác hơn là “bệnh lý” vì 5 dạng của tự kỷ có biểu hiện và phương pháp trị liệu khác nhau.

4. Ổn định tâm lý cha mẹ và những người trong gia đình

Những cảm nghĩ buồn rầu, tiêu cực về đứa con mắc chứng tự kỷ có thể tác động đến đời sống tinh thần, tình cảm và năng lực trong cuộc sống của các bậc cha mẹ. Vì vậy, hãy tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ và giải quyết những vấn đề tâm lý của cha mẹ.

Cha mẹ nên nhìn nhận khách quan và đầy đủ về bản chất, nguyên nhân của chứng tự kỷ, tình trạng hiện tại của đứa trẻ để cảm thông và cùng nhau chăm sóc, hỗ trợ thay vì áy náy, đổ lỗi cho nhau.

Sau khi xác định con bạn mắc chứng tự kỷ, một số cha mẹ không tìm đến các chuyên gia hay cơ sở điều trị mà tự mình nghiên cứu các tài liệu để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp cho con. Họ thường dễ bị bế tắc vì nhiều luồng thông tin khác nhau. Cách tốt nhất là tham gia cộng đồng gồm các phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ để chia sẻ, đồng cảm và học hỏi kinh nghiệm cùng con vượt qua những khó khăn, đặc biệt là cách đồng hành và phối hợp cùng các chuyên gia trị liệu trong quá trình trị liệu để đạt hiệu quả tốt nhất.

5. Tuân thủ và phối hợp can thiệp cùng các chuyên gia

Qua thực tế lâm sàng, sự can thiệp kịp thời và kiên trì giúp cho rất nhiều trẻ tự kỷ giảm thiểu được các triệu chứng và khuyết tật trên các mặt ngôn ngữ và hành vi ứng xử, có được khả năng thích ứng tốt hơn với cuộc sống của bản thân và trong quan hệ với xã hội.

Mỗi một cơ sở điều trị sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau để can thiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ, và với mỗi một đứa trẻ sẽ xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp riêng biệt.

Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng để can thiệp hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ: Phương pháp y sinh học; Phương pháp tâm lý giáo dục; Phương pháp ABA; Phương pháp PECS; Phương pháp TEACCH; Phương pháp FLOORTIME; Phương pháp COMPC (Communication Picture); Phương pháp PCS (Picture Communication Symbols)…

Các nhà chuyên môn sẽ xác định tình trạng của đứa trẻ để đưa ra các phương pháp can thiệp hiệu quả. Điều quan trọng nhất là nhận thức của cha mẹ về vai trò của mình trong chăm sóc, phối hợp và trị liệu cho trẻ. Việc tương tác, trao đổi thường xuyên của phụ huynh với các nhà chuyên môn; phản hồi về những thuận lợi, khó khăn, trình trạng, chuyển biến của trẻ sẽ là cơ sở để có những thay đổi, điều chỉnh phù trong quá trình trị liệu.

Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng can thiệp sớm hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng của não. Phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ mắc chứng tự kỷ trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ.

 Kính mời quý phụ huynh đón đọc bài 3 trong chuyên đề Can thiệp điều trị trẻ tự kỷ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh (Bài 3: Quy trình thăm khám, can thiệp trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh).

 

Đơn nguyên tâm bệnh BVPHCN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip