Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh lý xơ gan và những điều cần biết

Gan là tạng lớn nhất của cơ thể với nhiều chức năng quan trọng: chuyển hoá các chất, sản xuất và dự trữ dịch mật để tiêu hoá thức ăn, tổng hợp các yếu tố đông máu, lưu trữ các chất cần thiết cùng với đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Gan có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể nên nếu không biết cách bảo vệ khiến cho chức năng gan suy giảm thì sẽ dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

I. Xơ gan là gì ?

Xơ gan là một bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự hình thành các nốt tăng sinh dẫn tới mất chức năng gan.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, xơ gan là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 16 trên toàn cầu năm 2019.

Xơ gan gồm 2 giai đoạn:

- Xơ gan còn bù: gan bị tổn thương nhưng vẫn thực hiện được chức năng cơ bản. Quá trình này kéo dài nhiều năm và thường không có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng cũng rất mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác: mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, đau tức hạ sườn phải.

- Xơ gan mất bù: là giai đoạn cuối của xơ gan. Lúc này, các chức năng của gan bị suy giảm hoàn toàn, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được ghép gan thay thế.

II. Nguyên nhân gây xơ gan

Khi gan bị tổn thương do bất kỳ nguyên nhân nào đều có thể dẫn tới xơ gan. Trên lâm sàng thường gặp các nguyên nhân chính:

1. Xơ gan do rượu

Lạm dụng rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ở nước ta rất hay gặp do văn hoá sử dụng rượu bia. Rượu sẽ gây tổn hại tế bào gan một cách từ từ, lâu ngày dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ, cuối cùng là xơ hoá gan.

2. Xơ gan do virus

Hai loại virus viêm gan phổ biến nhất là viêm gan B và viêm gan C. Đây là 2 chủng virus có nguy cơ cao gây xơ gan và ung thư gan. Hiện nay ở Việt Nam có đến 10 triệu người mắc viêm gan B và khoảng 1 triệu người mắc viêm gan C, chiếm một tỷ lệ rất lớn trong dân số nước ta. Người mang virus thường không biết về bệnh của mình, do đó dễ là nguồn làm lây lan virus trong cộng đồng.

3. Nguyên nhân gây xơ gan khác:

- Viêm gan tự miễn

- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: thường xảy ra trên những đối tượng thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2.

- Lạm dụng thuốc: đặc biệt là các thuốc chống viêm, thuốc điều trị lao, thuốc chống trầm cảm, paracetamol, thuốc điều trị ung thư…

- Xơ gan do ký sinh trùng: sán lá gan, amip, KST sốt rét

- Do một số bệnh di truyền: bệnh Wilson, bệnh về dự trữ glycogen…

- Xơ gan do các bệnh làm tổn thương hoặc tắc nghẽn đường mật trong gan kéo dài trong bệnh cảnh của sỏi túi mật, giun chui ống mật…

- Một số trường hợp chưa tìm được nguyên nhân.

 

III. Làm thế nào để phát hiện bệnh xơ gan?

1. Qua các triệu chứng:

Tuỳ theo các giai đoạn của bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau. Ở giai đoạn xơ gan còn bù, các triệu chứng không rõ ràng: mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân, đau tức hạ sườn phải…, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hoá khác.

Ở giai đoạn xơ gan mất bù, khi chức năng gan bị suy giảm rõ rệt, các triệu chứng lâm sàng tương đối rõ ràng:

- Vàng da, vàng mắt, sạm da, ngứa

- Sao mạch vùng cổ, lòng bàn tay son.

- Phù, tràn dịch màng bụng ( cổ trướng ), màng phổi, màng ngoài tim do giảm tổng hợp albumin máu

- Xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản hoặc do giảm tổng hợp các yếu tố đông máu.

- Suy giảm trí nhớ, lú lẫn, thay đổi tính cách.

- Nhiễm trùng do suy giảm sức đề kháng, hay gặp nhiễm trùng dịch cổ trướng, có thể gây viêm phúc mạc và suy đa cơ quan.

- Các rối loạn về nội tiết, ở phụ nữ hay gặp tình trạng mất kinh, vô sinh, ở nam sẽ gặp tình trạng teo tinh hoàn, vú to, bất lực, vô sinh.

- Trong hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ có biểu hiện: lách to, tuần hoàn bàng hệ, cổ trướng.

2. Qua tiền sử bệnh: những bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus B, C, tiền sử nghiện rượu bia, tiền sử dùng các thuốc điều trị lao, giảm đau chống viêm…

3. Qua các xét nghiệm:

- Xét nghiệm: xét nghiệm máu bác sĩ sẽ cho biết bệnh nhân gặp các vấn đề về gan

- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CLVT sẽ chỉ ra gan có bị tổn thương không

- Sinh thiết gan: là xét nghiệm chính xác và độ tin cậy cao nhất, đánh giá được mức độ tổn thương của gan.

IV. Điều trị xơ gan

Xơ gan là bệnh không thể chữa khỏi nhưng nếu được điều trị đúng thì bệnh nhân có thể sống lâu dài.

Giai đoạn còn bù điều trị bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, hạn chế sử dụng thuốc và các chất gây độc cho gan.

    Chế độ ăn uống, sinh hoạt:

- Đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung đạm cho bệnh nhân từ thịt, cá, ăn nhiều hoa quả và rau tươi.

- Bỏ rượu bia, không dùng các chất kích thích khác.

- Hạn chế sử dụng các thuốc gây độc cho gan.

- Ăn giảm muối, đặc biệt trong giai đoạn phù, cổ trướng.

- Tránh làm việc nặng, trong giai đoạn tiến triển của bệnh nên nghỉ ngơi tuyệt đối.

Giai đoạn mất bù: chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân thường đến viện trong bệnh cảnh của xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan cổ chướng và hôn mê gan.

- Với trường hợp xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, bệnh nhân cần được duy trì khối lượng tuần hoàn, đảm bảo huyết động, tiêm cầm máu và nội soi cấp cứu để cầm máu, đồng thời dùng thuốc Propranolol để giảm áp lực tĩnh mạch cửa.

- Với trường hợp cổ trướng: bệnh nhân được điều trị bằng lợi tiểu, chọc dịch màng bụng khi thể tích dịch quá nhiều gây khó chịu cho người bệnh và không đáp ứng bằng điều trị lợi tiểu, bổ sung Albumin cho bệnh nhân, trường hợp nhiễm trùng cổ chướng cần bổ sung thêm kháng sinh, bổ sung điện giải và vitamin và chọc tháo dịch khi cần thiết

- Ghép gan: Trong các trường hợp: Xơ gan Child C, cổ trướng không đáp ứng với điều trị, các trường hợp xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản tái phát, ung thư tế bào gan.

Nói tóm lại, xơ gan là một bệnh lý mạn tính có ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh, nên mọi người cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, các thuốc và các chất gây độc cho gan. Đồng thời khi có biểu hiện bất thường nên đi khám sớm ở các cơ sở y tế để phát hiện kịp thời, đánh giá tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Khoa Nội tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip