Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Can thiệp phát triển giao tiếp cho trẻ tự kỷ

Khiếm khuyết về giao tiếp là một trong những khó khăn cốt lõi của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK). Trẻ RLPTK có thể biểu hiện chậm nói, thậm chí có một tỷ lệ nhất định trẻ tự kỷ sẽ không thể nói được, số khác có khả năng nói từ đơn, câu ngắn nhưng lại gặp khó khăn khi không biết sử dụng hoặc sử dụng ngôn ngữ không hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.

Một số cha mẹ có con tự kỷ thường chỉ tập trung đến các mốc phát triển ngôn ngữ của con, mà không hiểu rằng gốc rễ sâu xa của chậm nói ở trẻ tự kỷ là do khuyết thiếu về mặt giao tiếp. Không có phương thức giao tiếp hiệu quả, trẻ không biết cách bày tỏ những mong muốn của bản thân, đôi khi lại sử dụng những hoạt động giao tiếp không phù hợp. Từ đó dẫn đến nhiều hành vi thách thức, hành vi sai lầm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân trẻ, cha mẹ và những người xung quanh.

Có một điều chắc chắn rằng, can thiệp giao tiếp sớm với cường độ cao, tập trung, cả về tần suất xảy ra giao tiếp, phương thức sử dụng trong giao tiếp và chức năng giao tiếp, là rất cần thiết và mang lại hiệu quả phát triển về ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ. Lợi ích này có ở cả hai nhóm trẻ: nhóm trẻ chưa có ngôn ngữ và nhóm trẻ có ngôn ngữ nhưng sử dụng ngôn ngữ không phù hợp. Hiện nay, các chương trình can thiệp được khuyến cáo dựa trên bằng chứng khoa học đều nhấn mạnh về phát triển kỹ năng giao tiếp và có bộ khung phát triển giao tiếp trong đó.

Về phương pháp thực hiện can thiệp giao tiếp, chúng ta cần áp dụng nguyên lý hành vi ứng dụng ABA để dạy cho trẻ các chủ đích giao tiếp và các phương thức giao tiếp phù hợp cho mỗi chủ đích đó. Mục tiêu cuối cùng là trẻ có khả năng chủ động sử dụng các phương thức giao tiếp để vận dụng tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Về môi trường can thiệp, chúng ta nên kết hợp can thiệp trong môi trường có cấu trúc và môi trường tự nhiên như: ở nhà, lớp học... Trong đó, người thực hiện là các giáo viên chuyên biệt kết hợp với cha mẹ/người chăm sóc và các giáo viên tại trường học của trẻ. Môi trường có cấu trúc sắp xếp và nhiệm vụ được chia nhỏ sẽ giúp trẻ dễ dàng học kỹ năng mới. Trong khi đó môi trường tự nhiên như ở nhà và lớp học giúp gia tăng hiệu quả, tính khái quát và làm cho hành vi mới học được trở nên có ý nghĩa (chức năng) hơn.

Sau cùng, một lần nữa, chúng ta cần nhấn mạnh về vai trò quan trọng và tính ưu tiên của phát triển giao tiếp trong chương trình can thiệp tổng thể cho trẻ có RLPTK. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ là những người thầy, những can thiệp viên tích cực và hiệu quả cho trẻ. Để trẻ RLPTK có thể được can thiệp mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả các hoạt động hằng ngày.

Khoa Tâm lý trị liệu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip