Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vật lý trị liệu cho trẻ bại não - Mục tiêu và Phương pháp

Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng đã và đang áp dụng các bài tập vậy lý trị liệu phục hồi chức năng cho trẻ bại não và đạt được nhiều kết quả tích cực, cải thiện tình trạng bệnh, sớm hòa nhập lại với xã hội, đạt được các vai trò có giá trị và sự tham gia vào cộng đồng.

Bại não là các rối loạn vận động do tổn thương não không tiến triển xảy ra vào giai đoạn trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh đến 5 tuổi. Biểu hiện bằng các bất thường về vận động và tư thế thân mình. Ngoài ra, trẻ bại não còn có thể kèm theo chậm phát triển kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, trí tuệ và các rối loạn điều hòa cảm giác … gây rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, học tập và hòa nhập cộng đồng.

Vật lý trị liệu đóng vai trò rất cần thiết trong việc kiểm soát bệnh bại não, giúp trẻ cải thiện các chức năng vận động qua các bài tập có mục tiêu.

I. Mục tiêu của vật lý trị liệu (VLTL) cho trẻ bại não

Vì bệnh bại não là bao gồm một loạt các chứng suy giảm vận động thần kinh ở mức độ khác nhau nên một chế độ tập luyện được cá nhân hóa là cần thiết để tối ưu hóa các chức năng vận động của mỗi trẻ bại não. VLTL rất có hiệu quả vì nó thúc đẩy não để tạo ra những thay đổi, khi trẻ càng vận động nhiều các đường dẫn thần kinh trong não càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Các bác sĩ VLTL sẽ giúp xác định những chức năng mà trẻ bại não cần được cải thiện và lập kế hoạch phục hồi chức năng với từng cá nhân để đạt được mục tiêu phù hợp với từng trẻ. Thông qua các bài tập lặp đi lặp lại, các bài tập sẽ thúc đẩy thần kinh để đạt được những chức năng tối ưu của trẻ.

II. Một số phương pháp vậy lý trị liệu cho trẻ bại não

1. Kéo giãn

Hơn 80% trẻ bị bại não có trương lực cơ cao còn gọi là co cứng. Tình trạng co cứng có thể dẫn đến hạn chế vận động, tư thế xấu, vận động bất thường, cơ thể phát triển không đồng đều và có thể gây đau lâu dài.

Phương pháp kéo giãn giúp ổn định trương lực cơ, giảm căng cơ và giúp duy trì tầm vận động.

2. Các bài tập vận động

Những trẻ bị bại não nặng thường được tập các bài vận động thụ động. Bác sĩ/ Kỹ thuật viên VLTL sẽ tập và hướng dẫn người nhà vận động cho cơ thể của trẻ. Các bài tập giúp kéo giãn cơ, duy trì tầm vận động khớp, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn…

Những trẻ có khả năng vận động chủ động nhiều hơn sẽ được thiết kế các bài tập phù hợp riêng biệt, bao gồm cả các bài tập thăng bằng, điều hợp…

3. Liệu pháp CIMT

Những trẻ bị ảnh hưởng ở một bên cơ thể (bại não nửa người) có thể được tập phương pháp CIMT (Trị liệu vận động đồng cưỡng bức) liên quan đến hạn chế sử dụng tay không bị ảnh hưởng, khuyến khích sử dụng tay bị ảnh hưởng liên tục, não sẽ được khuyến khích thực hiện thay đổi thích ứng và củng cố các đường dẫn thần kinh cho các chức năng đó.

4. Huấn luyện dáng đi

Nhiều trẻ bại não đi lại với dáng đi bất thường do các chi bị co cứng. Các Bác sĩ/ Kỹ thuật viên VLTL sẽ hỗ trợ trẻ tập luyện dáng đi, điều chỉnh dáng đi bất thường, hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp như: khung tập đi, thanh song song, nẹp chỉnh hình…

5. Trò chơi và hoạt động

Bác sĩ/ Kỹ thuật viên VLTL có thể sử dụng các trò chơi và hoạt động vui nhộn để khuyến khích trẻ vận động, chuyển các kỹ năng được tập vào cuộc sống hàng ngày, dạy trẻ các hoạt động vui vẻ, hấp dẫn để tăng hứng thú cho trẻ.

Điều trị và phục hồi chức năng bại não thể phối hợp bằng các bài tập vật lý trị liệu là một trong các bước đầu tiên song song với điều trị chuyên biệt. Các hình thức này có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp và tính linh hoạt xương khớp, giúp chăm sóc cho trẻ bị bại não có một cuộc sống độc lập hơn. Chính vì thế, cần bắt đầu tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt để mang đến cho trẻ cơ hội cải thiện tốt nhất trong tương lai.

Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng đã và đang áp dụng các bài tập vậy lý trị liệu phục hồi chức năng cho trẻ bại não và đạt được nhiều kết quả tích cực, cải thiện tình trạng bệnh, sớm hòa nhập lại với xã hội, đạt được các vai trò có giá trị và sự tham gia vào cộng đồng.

Khoa Tâm lý trị liệu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip