Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG ĐỘT QUỴ VÀ CÁCH XỬ TRÍ BAN ĐẦU

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não (Stroke) là tình trạng tổn thương não cấp tính, xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não) hoặc bị vỡ mạch máu não (gây xuất huyết não), hay vỡ phình – dị dạng mạch máu não (gây xuất huyết não thất, xuất huyết dưới nhện). Hậu quả các tế bào não bắt đầu chết dần trong vài phút do bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
Đây là căn bệnh cấp tính cực kỳ nguy hiểm và phổ biến hiện nay, gây ra nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Có 2 loại đột quỵ mà người bệnh cần biết là:
  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (Nhồi máu não): Xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Theo thống kê có khoảng 85% các ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này.
  • Đột quỵ do xuất huyết não: Xảy ra do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hoặc não thất. Có khoảng 15% trường hợp bị đột quỵ là do xuất huyết não.
  • Ngoài ra còn có cơn thiếu máu não thoáng qua (hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ).
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não:
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh lý tim mạch: xơ vữa động mạch, hẹp động mạch, bệnh mạch vành, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim, …
  • Dị dạng mạch máu não
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn lipid máu
  • Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia
  • Tuổi cao
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não:
  1. Thị lực: nhìn mờ, suy giảm thị lực đột ngột 1 hoặc 2 bên, song thị, …
  2. Mặt (hay gặp dễ nhận biết): lệch mặt, nhân trung lệch, méo miệng, ăn uống rơi vãi thức ăn.
  3. Giọng nói: Nói ngọng, nói khó, không nói được, tê cứng lưỡi, …
  4. Tê, yếu tay hoặc chân hoặc 1 nửa cơ thể.
  5. Nhận thức: rối loạn trí nhớ, ù tai, lẫn, quên sự việc.
  6. Thần kinh: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, choáng ngã do mất thăng bằng, co giật, hôn mê.

Cách xử trí: “Thời gian là vàng”, đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt nhanh nhất trong 3 giờ đầu.
- Nên gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh hôn mê. Nếu người bệnh tỉnh táo, tình trạng cho phép, thì có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.
- Trong quá trình chờ xe, nếu người bệnh rối loạn ý thức, nôn mửa cần đặt đầu người bệnh nằm nghiêng sang một bên tránh sặc, tụt lưỡi, đầu cao 30 độ; nếu người bệnh tỉnh, hỗ trợ người bệnh nằm thoải mái, theo dõi liên tục, trấn an người bệnh.
- Lấy dị vật trong miệng như răng giả, chất nôn trong mũi, miệng. Nới rộng quần áo người bệnh như thắt lưng, cà vạt.
- Không nên làm những việc như: châm cứu, cạo gió, chích máu đầu ngón tay, không cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân.
Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4 - 5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.
Phòng ngừa đột quỵ não:
Đột quỵ não có thể tái phát nhiều lần và đột quỵ lần sau thường nặng hơn lần trước. Khoảng 80% đột quỵ có thể ngăn ngừa. Quan trọng nhất là kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống.
  • Tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức.
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá, thuốc lào.
  • Tránh thừa cân, béo phí.
  • Chế độ ăn lành mạnh đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, chất xơ, vitamin, uống đủ nước, hạn chế mỡ động vật, không ăn mặn.
  • Kiểm tra, theo dõi huyết áp hàng ngày.
  • Khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý đi kèm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip