Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh các bệnh về đường hô hấp khi thời tiết giao mùa

Thời điểm giao mùa là lúc các yếu tố về thời tiết thay đổi một cách thất thường khiến cơ thể chưa kịp thích ứng nên dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
1. Vì sao khi thời tiết giao mùa lại dễ mắc các bệnh về đường hô hấp?
  • Thời tiết thay đổi làm hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, đồng thời là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và lây lan nhanh.
  • Thời gian chiếu sáng của mặt trời ít hơn là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh;
  • Thói quen ở nhà và đóng kín cửa, ít vận động khiến vi khuẩn, virus lây lan nhanh hơn.
2. Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Nhiễm trùng đường hô hấp là các bệnh nhiễm trùng xuất hiện tại đường hô hấp trên như xoang, mũi, họng, thanh quản hoặc tại đường hô hấp dưới như phế quản, phổi, màng phổi.
  • Trẻ em, người già trên 65 tuổi, người hay hút thuốc lá, người có bệnh nền mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi cũ, hen suyễn,..; người suy dinh dưỡng hoặc người bị suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
  • “Thủ phạm" gây bệnh thường là do virus (như hợp bào virus, virus cúm, adeno virus, corona virus,...) hoặc vi khuẩn (như liên cầu, phế cầu,..), nấm.
  • Đường lây truyền của bệnh thường thông qua đường hô hấp khi ta hít phải những giọt bắn từ người nhiễm bệnh,... hoặc khi chạm bàn tay có dính giọt bắn vào mũi, mắt, miệng của mình; khi sờ phải bề mặt có chứa mầm bệnh mà không rửa tay sạch sẽ.
  • Các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp gợi ý gồm: Ho khan, ho có đờm đục, khó chịu ở mũi, sốt nhẹ hoặc sốt cao, dịch mũi nhiều, nghẹt mũi, đau hoặc nặng mặt, ngứa hoặc đau họng, hắt hơi, đau ngực khi hít thở hoặc khi ho nhiều, khó thở, thở rít, thở khò khè.
  • Về điều trị thì trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hâp trên bệnh sẽ tự khỏi khi nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân nên đến cơ sở y tế ngay nếu có các dấu hiệu trở nặng hoặc:
  • Ho ra máu hoặc chất nhầy đẫm máu.
  • Sốt kéo dài hơn 4 ngày, khó thở, thở rít, thở khò khè, đau tức ngực khi hít thở
  • Người già trên 65 tuổi hoặc
  • Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi hoặc phụ nữ có thai
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên quá nặng và gây mất nước đáng kể, hít thở nhọc, nhầm lẫn nhiều, thờ ơ, suy tim sung huyết
  • Người già có nhiều bệnh mạn tính: suy tim, xơ gan, suy thận nặng, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi cũ,...
3. Cách phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa
  • Tắm rửa bằng nước ấm ở nơi kín gió;
  • Khi trời lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng ngực, cổ và gan bàn chân;
  • Tránh ngồi nhiều ở nơi có máy lạnh, quạt máy và không thức khuya. Thể dục, ăn uống điều độ mỗi ngày;
  • Không hút thuốc lá, uống nước lạnh có đá. Bổ sung chất xơ và vitamin C qua rau xanh và hoa quả tươi;
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng miệng và vùng họng
  • Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn để hạn chế nguy cơ lây bệnh;
  • Tiêm phòng bệnh cúm trước khi bước vào mùa lạnh hàng năm. Ngoài ra cần tiêm phòng phế cầu với trẻ dưới 5 tuổi, người mắc nhiều bệnh nền và người trên 65 tuổi theo khuyến cáo bộ y tế
  • Không tự ý đi mua các loại thuốc, nhất là thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Do vậy nếu có các triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp, hãy đi khám để được bác sĩ hướng dẫn và chỉ định điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip