Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG TIN DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH: PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG

1. Tổng quan về phẫu thuật thay khớp háng
- Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình cắt bỏ khớp háng bị đau do tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo
- Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp điều trị những bệnh lý khớp háng mà tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả. Thông thường thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp giảm đau cho người bệnh, cải thiện tầm vận động khớp háng giúp người bệnh trở lại các sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng để đạt được hiệu quả cao nhất thì việc chăm sóc, hướng dẫn người bệnh tập luyện phục hồi chức năng sau mổ là rất quan trọng vì góp phần làm giảm thiểu các biến chứng, giúp lưu thông tuần hoàn của chi thể và phòng ngừa tắc mạch, làm tăng sức cơ và cải thiện tầm vận động của khớp háng, tập luyện di chuyển, tập đứng, tập đi... giúp người bệnh nhanh chóng trở lại tham gia các hoạt động cộng đồng.
2. Khi nào bệnh nhân cần phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo
2.1. Thay khớp háng toàn phần
- Thay khớp háng toàn phần áp dụng cho cả nam và nữ trong độ tuổi dưới 70, vận động trước phẫu thuật vẫn còn tốt, đáp ứng được sức khỏe để trải qua cuộc phẫu thuật.
- Những trường hợp có chỉ định thay khớp háng toàn phần.
+ Đau khớp háng giới hạn trong các hoạt động hàng ngày như đi bộ.
+ Khớp háng đau liên tục cả ngày lẫn đêm, kể cả trong lúc nghỉ ngơi.
+ Khớp háng bị cứng trong khi di chuyển.
+ Đã sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, PHCN và các dụng cụ hỗ trợ nhưng không đạt kết quả.
2.2. Thay khớp háng bán phần:
- Gãy cổ xương đùi ở người bệnh ≥ 70 tuổi với cuộc sống mong đợi ngắn.
- Gãy cổ xương đùi ở người bệnh Parkinson, liệt, rối loạn tâm thần.
- Bệnh lý hoại tử chỏm ở người bệnh ≥ 70 tuổi.
- Một số trường hợp gãy liên mấu chuyển ở người già yếu.
- Chỉ định thay khớp háng bán phần phải dựa vào nhiều yếu tố như: tuổi, tình trạng sức khỏe chung, loại gãy, chất lượng xương, điều kiện trang thiết bị, kinh nghiệm phẫu thuật viên...
3. Điều trị phục hồi chức năng
3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng
- Cách thức, kỹ thuật mổ.
- Vật liệu sử dụng cho khớp nhân tạo. năng di chuyển của người bệnh.
- Các bệnh lý mạn tính của người bệnh ảnh hưởng đến huyết động và khả năng di chuyển của người bệnh
- Điều kiện kinh tế, sự chăm sóc.
- Mục tiêu điều trị của người bệnh.
- Sau thay khớp háng, việc quay lại với thể thao đối kháng hoặc hoạt động mạnh không được khuyến cáo. Ưu tiên là ngăn các biển chứng sau thay khớp. Nếu người bệnh xem xét muốn quay lại các hoạt động mạnh, cần phải hỏi ý kiến các chuyên gia phẫu thuật và phục hồi chức năng của mình.
 - Chương trình phục hồi chức năng sau thay khớp háng bán phần có các bài tập và lưu ý như sau thay khớp háng toàn phần.
3.2. Các phương pháp phục hồi chức năng (tùy theo từng giai đoạn)
- Nhiệt lạnh, nhiệt ấm
- Điện xung
- Điện từ trường
- Tập vận động
- Điều trị bằng máy giảm đau
- Điều trị bằng laser công suất cao
3.3. Chương trình tập phục hồi chức năng: Gồm có 3 giai đoạn:
3.3.1. Giai đoạn 1: Từ 0 - 2 tuần sau mổ.
- Mục tiêu:
+ Bảo vệ mô tổn thương giúp lành mô.
+ Kiểm soát đau và phù nề.
+ Phòng huyết khối tĩnh mạch chi dưới, biến chứng hô hấp.
+ Cải thiện tầm vận động, tránh trật khớp và bán trật khớp.
+ Tăng cường sức mạnh cơ, chống teo cơ.
+ Hướng dẫn di chuyển và dáng đi.
+ Giáo dục người bệnh và người nhà.
 - Dịch chuyển và tư thế:
+ Dịch chuyển ra - vào giường cùng bên với chân mổ tránh xoay trong hông.
+ Di chuyển sớm được khuyến khích.
+ Tỳ trọng lượng tăng dần lên chân mổ theo mức chịu đựng, hỗ trợ chân mổ, đồng thời tăng cường sự ổn định và sự tự tin của người bệnh.
 - Các bài tập:
+ Ngày 1, 2 sau mổ: lượng giá tình trạng người bệnh về sức mạnh cơ và cảm giác, tập luyện tại giường (co cơ tĩnh, vận động khớp cổ chân - khớp gối - khớp háng, tập mạnh cơ tứ đầu đùi - cơ mông). Hướng dẫn người bệnh lăn trở tại giường.
+Từ ngày thứ 4, 5 sau mổ: người bệnh tiến tới thực hiện các hoạt động chức năng an toàn với dụng cụ trợ giúp như di chuyển ra khỏi giường, đi trên bề mặt phẳng,
- Kiểm soát sưng nề:
+ Chườm lạnh.
+ Nâng cao chân.
- Hoạt động chức năng:
+ Đảm bảo an toàn và thực hiện độc lập các sinh hoạt hàng ngày.
+ Nên ngồi ghế cao hoặc mép giường khi mặc quần áo.
+ Có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ trong mặc quần, xỏ giày dép.
+ Cách mặc quần áo: chân mổ trước, chân lành sau.
+ Bệ xí cao.
+ Tắm với vòi hoa sen cầm tay hoặc bông tắm cán dài. Có thể ngồi tắm với ghế cao nếu chân chưa được phép tỳ mạnh.
- Điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2:
+ Dáng đi chuẩn không cần trợ giúp.
+ Không còn đau và sưng với các hoạt động chức năng và bài tập vận động.
+ Cải thiện sự linh hoạt.
3.3.2. Giai đoạn 2: Từ tuần 3 - 6 tuần sau mổ
- Mục tiêu:
+ Cải thiện dần sức mạnh cơ mông (cơ mông, nhóm cơ xoay khớp háng, cơ chậu).
+ Kiểm soát tư thế, khung chậu ổn định với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
+ Tập sửa dáng đi ở tốc độ bình thường khi đi ra khỏi nhà.
+ Các hoạt động chức năng sinh hoạt không còn đau hoặc hạn chế.
+ Tiếp tục bảo vệ khớp háng với các động tác cần tránh cho đến 6-8 tuần.
- Các bài tập:
+ Bài tập bắc cầu 2 chân.
+ Tiến dần đến bắc cầu 1 chân.
+ Tập với bóng giúp tăng cường sức mạnh thân mình và giúp thăng bằng.
+ Tập dạng với dây thun kháng trở gối.
+ Tập bước lên bục cao tăng dần (10 đến 20 cm).
+ Kiểm soát cơ tứ đầu đùi với bài tập bước xuống các bậc.
+ Tập đi bộ lên xuống cầu thang:
* Khi lên cầu thang phải bước chân bên lành lên bậc thang trước rồi mới bước chân mới thay khớp háng lên theo trên cùng 1 bậc.
* Khi xuống cầu thang phải bước chân mới thay khớp háng xuống trước với nạng hoặc gậy sau đó bước chân lành xuống cùng bậc.
+ Các bài tập thăng bằng trên mặt phẳng không bằng phẳng hoặc mềm.
+ Tập đạp xe tại chỗ, tham gia các hoạt động hàng ngày.
3.3.3. Giai đoạn 3: > 6 tuần (Tăng cường chức năng).
- Các chương trình tập luyện được đẩy nhanh.
- Khôi phục đầy đủ tầm vận động thụ động và chủ động.
- Các biện pháp bảo vệ khớp được nâng lên, người bệnh có thể bắt đầu trở lại mức độ hoạt động cao hơn.
- Mức độ linh hoạt, tầm vận động, dáng đi và chức năng sinh hoạt hàng ngày được nâng cao hơn. - Bác sĩ phục hồi chức năng dựa vào mức độ hoạt động trước đó của người bệnh, sức khỏe hiện tại và mục tiêu của người bệnh đế đưa ra chương trình tập luyện nâng cao phù hợp và các bài tập thể thao cụ thể.
* Tập đi bộ bỏ nạng, khung; Có thể tập lái xe.
* Người bệnh có thể trở lại với công việc hàng ngày, tập luyện một số môn thế thao như: bơi, đánh golf, đi bộ, đạp xe, lái xe,... (Không được chơi các môn thế thao mạnh như: tennis, bóng chuyền, bóng rổ,..)
3.4. Những lưu ý đối với người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng
- Khớp háng nhân tạo có biên độ vận động hạn chế, vậy nên khi vận động quá tầm hoặc sai tư thế khớp háng dễ bị trật.
- Nhiêu trường hợp trước phẫu thuật do đau, chân ít vận động trong thời gian dài làm cho cơ đùi, cơ vùng mông teo yếu. Vì vậy sau mổ, đặc biệt trong 6 - 8 tuần đầu, nguy cơ trật khớp háng nhân tạo tăng cao.
Những lưu ý:
- Tránh các động tác làm khớp háng gập quá 90°
- Tránh các động tác làm khớp háng xoay trong quá mức
- Tránh các động tác làm khớp háng quay ngoài quá mức: ngồi khoanh chân, đá cầu bằng má ngoài,...
- Khi nằm, khi ngồi xuống hoặc đứng lên, khi lên hoặc xuống giường, khi lên xuống xe ô tô, trong phòng tắm cần đúng tư thế
3.5. Các điều trị hỗ trợ khác
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc giảm đau, chống viêm (Paracetamol, NSAID...).
- Thuốc chống phù nề.
- Thuốc chống huyết khối tĩnh mạch
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip