Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG TIN CHO NGƯỜI BỆNH:LOÉT BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH

1. Đại cương
- Loét bàn chân do đái tháo đường (ĐTĐ) là các vết loét xuất hiện ở bàn chân (từ mắt cá chân trở xuống: mu chân, gan bàn chân, gót chân và bàn - ngón chân) ở người bệnh ĐTĐ.
- Bệnh đái tháo đường có thể gây ra loét bàn chân, cắt cụt chi. Bệnh nhân đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10-15 lần so với người không bị ĐTĐ
( Biến chứng loét bàn chân trên người bệnh Đái tháo đường )
( Biến chứng loét bàn chân trên người bệnh Đái tháo đường )
2. Nguyên nhân của loét bàn chân ĐTĐ

- Tăng đường máu mạn tính gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrat, protid, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là mạch máu và thần kinh.

- Các thành tố chính của biến chứng loét bàn chân do ĐTĐ bao gồm:

+ Biến chứng thần kinh: gây mất cảm giác bảo vệ bàn chân (cảm giác đau), làm người bệnh ĐTĐ dễ bị tổn thương về cơ học, chấn thương hóa học và nhiệt, đồng thời khiến bệnh nhân ít quan tâm đến việc chăm sóc bàn chân.

+ Bệnh mạch máu ngoại biên: Tổn thương mạch máu ngoại biên làm cho lưu lượng máu giảm, sẽ mất nhiều thời gian hơn để vết đau hoặc vết cắt lành lại. Các vết nhiễm trùng không lành hoặc khó lành vì lưu lượng máu đến nuôi dưỡng vết thương bị kém thì vết thương đó có nguy cơ bị loét hoặc hoại tử.

+ Yếu tố nhiễm trùng: bệnh ĐTĐ làm giảm khả năng miễn dịch nội tại của người bệnh; đồng thời, dưới tác động của môi trường glucose tăng cao, các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng tạo lớp vỏ bọc biofilm bảo vệ, giúp chúng đề kháng với kháng sinh và chống chọi lại quá trình miễn dịch của cơ thể một cách rất hiệu quả.

 

- Các yếu tố thuận lợi có thể gây tổn thương trên bàn chân đái tháo đường như: 

+ Không chăm sóc vệ sinh bàn chân.

+ Thói quen đi chân trần dễ giẫm đạp dị vật.

+ Cắt móng chân, cắt da không đúng cách gây tổn thương ngón chân tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng.

+ Mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương chân.

+ Các can thiệp không đúng cách trên bàn chân như: bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau trên bàn chân đái tháo đường.

+ Thói quen hút thuốc lá.

+ Thừa cân béo phì, kiểm soát đường máu, mỡ máu kém.

3. Dự phòng

-Biến chứng loét bàn chân ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp:

- Kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, huyết áp bằng cách tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

- Không đi chân trần, đi tất không mang giày, hoặc đi dép đế mỏng, dù ở nhà hoặc đi ra ngoài.

- Không đi giày quá chật, có mép gồ ghề hoặc đường may không đều. Nhìn kỹ và sờ bằng tay vào bên trong đôi giày trước khi mang.

- Mang tất không có đường may (hoặc có đường may từ trong ra ngoài); không mang tất quá chật hoặc cao quá đầu gối và thay tất hàng ngày.

- Rửa chân hàng ngày (với nhiệt độ nước luôn dưới 37°C) và lau khô cẩn thận, đặc biệt giữa các ngón chân. Không dùng các loại máy sưởi, bình nước nóng để sưởi ấm chân.

- Sử dụng chất làm mềm da để bôi trơn vùng da khô, nhưng không bôi giữa các ngón chân.

- Không sử dụng các chất hóa học, bột trét để tẩy các vết chai.

- Cắt móng chân thẳng ngang.

- Tự thực hiện kiểm tra chân hàng ngày đối với toàn bộ bề mặt của cả hai bàn chân, khu vực giữa các ngón chân.

- Khám bàn chân theo định kỳ. Thông báo cho chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu sưng, nóng, hoặc nổi mụn nước, vết cắt, vết xước hoặc vết loét.

( Test đường máu hằng ngày cho bệnh nhân tại Khoa Nội-TH bệnh viện Lão khoa- Phục hồi chức năng)

4. Kết luận

Loét bàn chân là biến chứng phức tạp của bệnh đái tháo đường do đó việc phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Hiểu được cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân để đưa ra biện pháp giải quyết đóng vai trò tích cực trong phòng bệnh, giảm tỷ lệ tàn phế, tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip