Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tin dành cho người bệnh: Vai trò của PHCN trong điều trị đau do Zona thần kinh.

1. Định nghĩa:
Bệnh Zona hay Herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da do sự tái hoạt của virus Varicella zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống với đặc trưng bởi sự xuất hiện các các ban đỏ, mụn nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Bệnh thường tương đối nhẹ và không để lại di chứng, tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể để lại các biến chứng đặc biệt là hội chứng đau sau zona. Đây là biến chứng thường gặp nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Triệu chứng
Giai đoạn khởi phát: đặc trưng với các cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối kéo dài từ 1 đến 5 ngày. Sau đó, trên vùng da này xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải, thành vệt. Người bệnh có thể thấy nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu.
Giai đoạn toàn phát xuất hiện sau khoảng vài ngày với sự xuất hiện các mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho trên nền da đỏ, thường ở một bên cơ thể, không vượt quá đường giữa và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên; cá biệt bị cả hai bên hay lan toả. Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, sau đục, hóa mủ, dần dần vỡ đóng vảy tiết. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần.
Đau sau zona là một biến chứng thường gặp nhất sau mắc bệnh Zona. Đây là một hội chứng gây ra tình trạng đau dai dẳng ở khu vực từng bị phát ban trong hơn 90 ngày sau khi phát ban. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau.
3. Điều trị:
Điều trị bệnh zona nên được bắt đầu sớm nhằm mục đích chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống vi rút, phòng tránh các biến chứng nặng và đặc biệt là hội chứng đau sau zona.
3.1. Thuốc:
Acyclovir với liều dùng 4g/ngày trong 7-10 ngày khi có tiền triệu hoặc ít nhất 72h sau khi mọc mụn nước; phối hợp với corticosteroid để điều trị trong những trường hợp nặng, kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.
Thuốc giảm đau theo bậc hoặc các thuốc giảm đau thần kinh để làm giảm tình trạng đau của người bệnh. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng giúp giảm đau hiệu quả. Trường hợp đau nhiều có thể dùng phương pháp phong bế thần kinh tổn thương để điều trị đau sau Zona.
Ngoài ra, có thể dùng các thuốc bôi, miếng dán tại chỗ để điều trị đau sau Zona như kem bôi Capsaicin, miếng dán Lidocain, …
Các thuốc Vitamin B1, B6, B12 liều cao, thuốc tăng tái tạo thần kinh, tăng dẫn truyền thần kinh giúp thúc đẩy quá trình hồi phục dây thần kinh bị tổn thương.
3.2. Các phương pháp VLTL- PHCN      
Giai đoạn cấp: Điều trị bằng tia tử ngoại. Tia tử ngoại có tác dụng chống viêm, tăng tuần hoàn dinh dưỡng da giúp nhanh khô vết thương, nhanh liền vết thương.
Giai đoạn đau sau zona: Dùng các phương pháp để giảm đau, tác động vào dây thần kinh như:
Nhiệt nóng: Hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm, laser, ... có tác dụng trong việc giảm đau, chống viêm.
Điện trị liệu: Điện xung, điện phân, điện từ trường… giúp giảm đau, tác động lên các dây thần kinh.
Các phương pháp tập vận động, xoa bóp trị liệu
Điều trị với máy giảm đau điện cực (hiệu quả cao với các trường hợp để lại di chứng đau dây thần kinh)
Điều trị với máy laser công suất cao chiếu ngoài (giảm phù nề, tái tạo lành vết tổn thương).
Oxy cao áp (hỗ trợ điều trị trong tổn thương thần kinh ngoại biên sau zona, giảm tiết dịch và phù nề cũng như thúc đẩy tái tạo mô da, hạn chế nhiễm trùng và hỗ trợ làm lành tổn thương trong đợt cấp).

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip