Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ

Tại khoa Tâm lý trị liệu - Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng đang thực hiện can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ và đạt được nhiều hiệu quả tích cực trong trí tuệ và khả năng thích ứng.

Khái niệm: Khuyết tật trí tuệ (KTTT) là một rối loạn phát triển thần kinh biểu hiện sự suy giảm toàn diện chức năng nhận thức và các hành vi thích ứng khi phải đối măt với các tình huống mới/phức tạp. Từ đó làm suy giảm khả năng tư duy logic và có thể kèm theo cả ngôn ngữ tùy theo mức độ khuyết tật từ nhẹ đến nặng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) về khuyết tật trí tuệ (ID, trước đây là chậm phát triển trí tuệ) được tìm thấy trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5, APA 2013). Tóm tắt các tiêu chí chẩn đoán trong DSM-5 như sau:

A- Sự thiếu hụt trong hoạt động trí tuệ (hay còn gọi là trí thông minh)

Biểu hiện rõ ràng nhất khi trẻ gặp khó khăn ở các lĩnh vực tư duy logic, tư duy trừu tượng, khả năng giải quyết vấn đề, lên kế hoạch, khả năng học tập ở trường học kém, hay học trải nghệm kém. Để đánh giá trí thông minh, các nhà chuyên môn sử dụng các công cụ được chuẩn hóa để đánh giá IQ. Sau đánh giá, IQ từ 70 trở xuống được coi là có ý nghĩa trong chẩn đoán.

B- Sự suy giảm hay thiếu hụt hành vi thích ứng:

Hành vi thích ứng bao gồm các kỹ năng cần thiết để sống một cách độc lập và có trách nhiệm. Hạn chế về các kỹ năng sống này khiến trẻ khó đạt được các tiêu chuẩn hành vi phù hợp với lứa tuổi. Cần được hỗ trợ cuộc sống độc lập, hỗ trợ trong trường học hoặc tại nơi làm việc. Những khiếm khuyết này được các nhà chuyên môn đo lường bằng cách sử dụng các bài kiểm tra được chuẩn hóa:

Các hành vi thích ứng bao gồm:

- Giao tiếp: bao gồm khả năng hiểu, sử dụng ngôn ngữ

- Kỹ năng xã hội: là khả năng hiểu và tuân thủ các quy tắc xã hội, phong tục tập quán và các tiêu chuẩn hành vi nơi công cộng.

- Các kỹ năng độc lập trong sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, ăn uống, dọn dẹp... và các hoạt động xã hội cơ bản như mua sắm đồ thiết yếu, tham gia giao thông..

- Kỹ năng xã hội cơ bản khi tham gia học tập tại trường học, làm việc tại cơ quan. Có thể hoàn thành công việc được giao, tuân thủ nội quy mà sự trợ giúp của những người xung quanh là tối thiểu.

C- Những khiếm khuyết này xảy ra trong thời kỳ thơ ấu hoặc thanh thiếu niên

Các nguyên nhân của khuyết tật trí tuệ khác nhau, nhưng nhìn chung bao gồm: di truyền (ví dụ Hội chứng Down), bệnh mắc phải (ví dụ: viêm màng não hoặc viêm não) hoặc chấn thương đầu trong thời kỳ phát triển. Việc tìm ra nguyên nhân có thể đóng vai trò rất quan trọng cho bản thân trẻ và gia đình trẻ. Các bậc cha mẹ có con KTTT cần đến sự hỗ trợ tư vấn di truyền để biết được các yểu tố nguy cơ bất thường ở lần sinh tiếp theo.

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra can thiệp sớm có sẵn có thể cải thiện chức năng trí tuệ và khả năng thích ứng. Các chương trình can thiệp sớm phổ biến và tỏ ra có hiệu quả là can thiệp hành vi và nhận thức, trị liệu ngôn ngữ.... Sử dụng mô hình đa ngành trong đó lấy gia đình làm trung tâm, các hoạt động can thiệp tốt nhất nên xảy ra trong môi trường tự nhiên, xung quanh các hoạt động thường ngày của trẻ. Đối với một số trẻ, cần làm việc với các nhà chuyên môn nếu có các vấn đề về rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, xung động có thể cần điều chỉnh và kiểm soát với thuốc.

Cuối cùng, trẻ KTTT cần được thông cảm, quan tâm thay vì đón nhận sự kỳ thị. Mỗi cá nhân KTTT đều có mong muốn được hòa nhập. Để đạt được điều đó cần sự đồng hành, giáo dục tích cực từ gia đình và sự hỗ trợ từ phía xã hội.

Khoa Tâm lý trị liệu - Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh phát triển từ nền tảng Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh.

Năm 2018, Đơn nguyên Tâm bệnh - PHCN được thành lập, thuộc khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện Phục hồi chức năng Quảng Ninh với chức năng nhiệm vụ khám và điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm nói, nói ngọng; bại não, chậm phát triển tâm thần, vận động; vẹo cổ, vẹo cột sống; trật khớp háng bẩm sinh, các chấn thương và một số mặt bệnh PHCN khác …

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, khoa đã khám, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân nhi. Năm 2018, tổng số lượt bệnh nhân nhi điều trị nội trú là 158 lượt trẻ, Đến năm 2020, đã tăng lên 373 lượt trẻ. Năm 2021 con số này là 602 lượt trẻ. Đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày khoa tiếp nhận khám và điều trị nội trú cho 60 đến 75 trẻ nhi có các rối loạn về phát triển (vận động, nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp…), các bệnh lý cơ xương khớp và sau chấn thương ở trẻ em.

Bệnh nhân nhi đến với Khoa Tâm lý trị liệu - Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh sẽ được khám, điều trị và can thiệp bằng các phương pháp: Vận động trị liệu; can thiệp cá nhân; can thiệp nhóm; tâm lý vận động, chơi trị liệu; điều hòa cảm giác; trị liệu hành vi; vật lý trị liệu; ngôn ngữ trị liệu; hoạt động trị liệu; thuốc.

Tại đây đang thực hiện can thiệp cho trẻ KTTT và đạt được nhiều hiệu quả tích cực trong trí tuệ và khả năng thích ứng. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về tâm lý và hành vi, bố mẹ nên đưa trẻ đến chuyên gia tư vấn để có biện pháp can thiệp hợp lý.

BS Đỗ Thị Hồng Quyên - Khoa Tâm lý trị liệu

  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip