Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25/5-31/5

100% cán bộ, viên chức, người lao động đã ký cam kết thực hiện không hút thuốc lá trong bệnh viện. Nội dung xây dựng môi trường bệnh viện không thuốc lá là một tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua hàng quý, năm của từng cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người.

Qua phân tích cho thấy, khói thuốc lá chứa trên 4000 hoá chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:

- Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập...

- Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.

- Bệnh hô hấp: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với các cháu nhỏ.

- Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.

- Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.

- Đối với nam giới: Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.

- Đối với phụ nữ và bào thai: Tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

- Đối với trẻ em: Dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.

- Đối với bệnh COVID-19: Các nhà nghiên cứu của nước Mỹ đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần người bình thường. Trong khi đó, nguy cơ nhiễm của những người hút thuốc lá điện tử là 5 lần. Còn những người vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thường có nguy cơ mắc cao hơn 7 lần thông thường. Thuốc lá chứa các chất độc hại làm hại đầu tiên đến hệ hô hấp, còn virus SARS-CoV-2 lại tấn công trực tiếp và chủ yếu vào phổi. Điều này khiến các bệnh nhân hút thuốc có nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 nặng hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn. 

Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022, ngay từ đầu năm 2022, Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng đã xây dựng Kế hoạch số 31/KH-BVLK-PHCN ngày 14 tháng 01 năm 2022 “Thực hiện chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2022”, nhận thức được tác hại nặng nề của thuốc lá, hướng tới xây dựng đơn vị không khói thuốc, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch và đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội quy, quy chế hoạt động của bệnh viện. Qua đó, 100% cán bộ, viên chức, người lao động đã ký cam kết thực hiện không hút thuốc lá trong bệnh viện. Nội dung xây dựng môi trường bệnh viện không thuốc lá là một tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua hàng quý, năm của từng cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện.

Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.

Phòng TC-HC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip