Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CAN THIỆP HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU TRÊN NGƯỜI BỆNH SUY GIẢM NHẬN THỨC SAU TỔN THƯƠNG NÃO

Giảm trí nhớ, chú ý kém, rối loạn định hướng không gian- thời gian, không thể nhận biết vật dụng hàng ngày, thay dổi tính cách, hành vi, giảm chức năng điều hành, ngôn ngữ và nhận thức xã hội là những triệu chứng thường gặp sau tổn thương não khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, dần dẫn đến bị cô lập trong xã hội. Suy giảm nhận thức sau tổn thương não là gánh nặng cho người bệnh và người chăm sóc. Đối với bất kỳ suy giảm nhận thức nào thì người bệnh cũng cần được tập luyện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt và đặc biệt là can thiệp Hoạt động trị liệu.

I. SUY GIẢM NHẬN THỨC LÀ GÌ?

Nhận thức là khả năng của não để tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, hồi tưởng và vận dụng thông tin.

Sự suy giảm nhận thức là những khó khăn trong quá trình xử lý thông tin do tổn thương não ảnh hưởng chức năng tinh thần và tâm lý bao gồm quá trình nhận thức và cảm xúc như chú ý, trí nhớ, học tập, tư duy và phán đoán ...

II. BIỂU HIỆN CỦA SUY GIẢM NHẬN THỨC

Rối loạn trí nhớ: Không thể nhớ những việc đã xảy ra, quên vị trí đặt đồ vật

Rối loạn chú ý: Dễ bị xao lãng, không thể tập trung    

Hội chứng lãng quên nửa người: Không thể nhận thức không gian một bên

Chứng mất nhận biết: Nhìn thấy nhưng không thể nhận biết là gì    

Chứng rối loạn mất thực dụng: Không nhớ rõ thứ tự động tác, không thể sử dụng thành thạo những đồ vật quen thuộc

Rối loạn chức năng  điều hành; Không thể thực hiện những việc bản thân đã lên kế hoạch   

Rối loạn hành vi và cảm xúc: Dễ nổi giận, sống khép kín, không có động lực       

 III. BỆNH LÝ NÀO GÂY RA SUY GIẢM NHẬN THỨC?

Nguyên nhân suy giảm nhận thức sau tổn thương não thường gặp trong các bệnh lý như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, teo não ...

IV. HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU GIÚP ĐIỀU TRỊ SUY GIẢM NHẬN THỨC NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi người bệnh sẽ được lượng giá và đưa ra bài tập có tính cá nhân phù hợp

Các bài tập nhận thức chủ yếu theo hai chiến lược điều trị và bù trừ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.

Ví dụ với mỗi hội chứng OT sẽ đưa ra các bài tập phù hợp như:

Rối loạn trí nhớ: sử dụng tranh, ảnh, đồ vật yêu cầu bệnh nhân nhớ các bức tranh sau khi đã xem và dấu đi, nhớ và kể lại truyện... kết hợp các bài tập trí nhớ trong sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng trí nhớ ngoài như viết giấy nhớ nhắc nhở công việc cần thiết dán ở những nơi dễ thấy, đặt đồng hồ báo thức kèm lời nhắc để không quên các cuộc hẹn, tạo thói quen thường xuyên nhìn vào ghi chú...

Rối loạn chú ý: Các bài tập yêu cầu người bệnh tập trung chú ý như xóa số, hình ảnh, nối số và chữ cái theo thứ tự, chia các quân bài, lật lên khi gặp số 2 và số 8, tính toán,... Có thể sử dụng âm nhạc du dương, nhẹ nhàng giúp người bệnh thư thái và kích thích sự tập trung. Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với nhiệm vụ được đơn giản hóa, giảm bớt hoạt động không cần thiết giúp bệnh nhân tập trung hơn.

Lãng quên nửa người: nói chuyện, khuyến khích bệnh nhân nhìn và thực hiện các hoạt động ở phía bên liệt, sử dụng CTMT, gương trị liệu với trường hợp lãng quên nửa người nhẹ,....

Chứng mất nhận biết: Sử dụng giác quan khác không bị trở ngại nếu nhìn thấy nhưng không biết đó là vật gì có thể chạm vào, lắng nghe để nhận ra. Khi người bệnh không nhận ra được khuôn mặt người nào đó, hãy gọi và nhắc lại tên , nhận biết quen thuộc như kiểu tóc, hình dáng, giọng nói…

Chứng rối loạn mất thực dụng: Can thiệp mất thực dụng không có tính khái quát hóa (can thiệp 1 hoạt động tốt sẽ tốt cho cả các hoạt động khác). Do đó để người bệnh sống ở nhà, cần biết cụ thể hành động/hành vi nào người bệnh cần làm ở nhà để ưu tiên can thiệp. duy trì tập luyện cho bệnh nhân các hoạt động sinh hoạt hàng ngày: Ăn uống, đi toilet, ngủ, tắm rửa, mặc quần áo,...

Rối loạn chức năng điều hành: Chuẩn bị trước rồi mới thực hiện, có thể ghi ra giấy trước những bước cần thực hiện, vừa nhìn ghi chú, vừa nghĩ cách thực hiện từng chút một và cùng nhau thực hiện. Khi người bệnh bối rối, người xung quanh nên giải thích từng việc một, suy  nghĩ và thực hiện cùng nhau.

Rối loạn hành vi và cảm xúc: Cùng nghĩ ra phương pháp có thể tìm và giải quyết các nguyên nhân gây căng thẳng. Khi người bệnh cảm thấy phấn khích, hãy thay đổi địa điểm và chủ đề, chờ người đó bình tĩnh lại. Nói chuyện sau khi người bệnh đã bình tĩnh trở lại.

Người bệnh tổn thương não bộ gây ra các suy giảm nhận thức cần tập luyện phục hồi chức năng tại các cơ sở có chuyên môn. Người bệnh sẽ được kích thích hoạt động của trí não nhờ tham gia những bài tập phù hợp với tình trạng của mỗi người bệnh. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia thì người bệnh cũng có cơ hội được giải tỏa các vấn đề tâm lý cũng như được tạo điều kiện gặp gỡ những người có cùng hoàn cảnh từ đó có động lực, niềm tin tập luyện.


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip