Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện, phòng ngừa và điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ em

Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo (xoay) của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Đây là bệnh lý về cột sống phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thiếu niên từ 10-15 tuổi. Bé gái bị nhiều hơn bé trai.

1. Cong vẹo cột sống là gì ?

- Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo (xoay) của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Đây là bệnh lý về cột sống phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thiếu niên từ 10-15 tuổi. Bé gái bị nhiều hơn bé trai.

- Cong vẹo cột sống có thể xảy ra đơn thuần hoặc phối hợp với các biến dạng khác của cột sống là gù ở vùng ngực hoặc ưỡn ở vùng thắt lưng.

Vẹo cột sống cấu trúc là tình trạng cột sống bị cong về một phía không thể hồi phục được đồng thời đốt sống cũng được xoay theo trục.

Vẹo cột sống không cấu trúc (vẹo cột sống chức năng) là tình trạng cột sống có khuynh hướng cong về một phía một cách tự nhiên, đường cong này có thể hồi phục được. Cột sống không bị vặn cũng như không có những thay đổi về cấu trúc.

 

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng cong vẹo cột sống?

- Do bẩm sinh: có các bất thường về cấu trúc cột sống khi sinh ra như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống....

- Do các bệnh lý thần kinh - cơ như trẻ bị bại não, bại liệt, loạn dưỡng cơ, 2 chân không đều, trật khớp háng bẩm sinh …

- Do chấn thương, còi xương suy dinh dưỡng,… gây lún, xẹp, biến dạng cột sống…

- Hơn 80% vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân thường gọi là vẹo cột sống vô căn.

- Một số thói quen có liên quan đến sự tiến triển của cong vẹo cột sống ở trẻ như

+ Trẻ ngồi học không đúng tư thế

+ Bất tương xứng giữa chiều cao bàn học và lứa tuổi

+ Trẻ mang vác nặng một bên trong thời gian dài như là đeo cặp 1 bên vai

+ Thói quen lười vận động thể dục thể thao,…

Thăm khám chẩn đoán cong vẹo cột sống

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống?

- Ở tư thế đứng ta thấy:

+ Mỏm vai 1 bên nhô cao hơn, xương bả vai hai bên không cân đối

+ Cột sống có thể ưỡn ra trước/gù ra sau khi nhìn bên

+ thân người nghiêng sang một bên

+ Khung chậu lệch nhô cao 1 bên

+ Có thể bắt gặp tình trạng chân cao chân thấp

- Khi trẻ cúi xuống nhìn sau lưng thấy: ụ gồ ở lưng kèm theo vùng lõm ở bên đối diện

4. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em?

- Nơi học tập, đọc sách phải đủ ánh sáng. Nhà trường và gia đình cần trang bị bàn ghế ngồi học cho trẻ em, thanh thiếu niên có kích cỡ phù hợp tránh những tư thế ngồi không đúng ảnh hưởng xấu đến cột sống đang trong quá trình phát triển của trẻ.

- Học sinh không được mang cặp quá nặng, trọng lượng sách vở không nên vượt quá 10% trọng lượng cơ thể của trẻ. Không được xách cặp hoặc đeo cặp một bên vai…

- Hướng dẫn đảm bảo trẻ ngồi học, nằm ngủ đúng tư thế

- Cần xây dựng cho trẻ có chế độ học tập và sinh hoạt hợp lý. Không nên để trẻ ngồi học, xem ti vi quá lâu, giữa các giờ học trẻ nên có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

- Tăng cường cho trẻ rèn luyện thể dục thể thao giúp hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. Cùng với đó có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D.

- Tổ chức khám tầm soát phát hiện sớm cong vẹo cột sống cho học sinh.

5. Trẻ em cong vẹo cột sống điều trị như thế nào?

- Phương pháp điều trị vẹo cột sống phụ thuộc vào:

+ VCS cấu trúc hay không cấu trúc

+ Mức độ vẹo cột sống

+ Tuổi phát hiện

+ Tốc độ tiến triển

Đối với vẹo cột sống không cấu trúc cần xác định và điều trị nguyên nhân như vẹo cột sống do chân cao chân thấp thì có thể điều chỉnh độ cao của đế giày dép.

Đối với các trường hợp vẹo cột sống cấu trúc tùy mức độ bác sĩ sẽ có các chỉ định can thiệp điều trị:

+ Mức độ nhẹ góc COBB < 20 độ: bệnh nhân sẽ được hướng dẫn bài tập cột sống và khám lại 3-6 tháng/lần. Nếu thấy góc COBB tiến triển nhanh là tiên lượng kém cần phải dùng áo nẹp cột sống hoặc phẫu thuật. Nếu đường cong không tiến triển sau 2-3 tháng là tiên lượng tốt.

+ Mức độ vừa góc COBB 20-40 độ: bệnh nhân được chỉ định đeo áo nẹp cột sống, hướng dẫn bài tập cột sống và khám lại 3-6 tháng/lần.

+ Mức độ nặng COBB > 45 độ hoặc vẹo cột sống tiến triển xấu đi nhanh, điều trị bằng mang áo nẹp không đáp ứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh thì được chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh cột sống.

- Các bài tập vận động giúp giảm đau, gia tăng cơ lực, duy trì và gia tầm vận động cột sống, cải thiện chức năng hô hấp. Có thể kết hợp thêm với các phương pháp vật lý trị liệu như kéo giãn cột sống và kích thích điện.

- Việc đánh giá góc COBB và chỉ định kĩ thuật can thiệp phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa về thần kinh - cột sống hoặc PHCN.

Một vài động tác tập PHCN điều trị cong vẹo cột sống:

Kéo giãn cột sống bằng hệ thống máy kéo giãn

Kéo giãn các tổ chức bị cứng ở phía lõm của đường cong ở tư thế nằm

Kéo giãn cơ ngực bên ở tư thế quỳ

Bài tập mạnh cơ duỗi thân phần trên

Bài tập làm mạnh cơ thân phía lồi của đường cong

Tập kéo dãn phần cơ lưng với tư thế gập và nâng người với bóng yoga

Tập mạnh duỗi cơ phần thân và kéo giãn tổ chức phía lõm của đường cong với sự giúp đỡ của kỹ thuật viên

 

BS. Nguyễn Văn Tự - Khoa Vật lý trị liệu (TH)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip