Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châm cứu điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh

Dây thần kinh số VII hay còn gọi là dây thần kinh mặt, là một hệ thống dây hỗn hợp với đầy đủ chức năng (cảm giác, vận động, dinh dưỡng, thực vật và phản xạ) của một dây thần kinh ngoại vi. Dây thần kinh số VII phụ trách việc vận động các cơ bám trên da mặt, da cổ, xương bàn đạp ở tai giữa. 

Bên cạnh đó, dây VII còn đảm nhận thêm sợi phó giao cảm của các tuyến nước mắt, tuyến hàm dưới, tuyến niêm dịch của mũi, tuyến dưới lưỡi và cho phép con người cảm nhận vị giác ở ⅔ phần lưỡi trước, cảm giác vòm miệng, cảm giác nông vùng ống tai ngoài và khu vực vùng da nhỏ phía sau vành tai. 

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là hiện tượng giảm hay mất vận động các cơ bám da mặt do dây thần kinh sô 7 chi phối, là một bệnh khá phổ biến ở mọi lứa tuổi.

Thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh (80%) (Liệt Bell). Đa số các trường hợp liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7) do lạnh, do xung huyết, điều trị bằng châm cứu đem lại kết quả tốt. Các trường hợp liệt do nhiễm khuẩn hồi phục chậm hơn. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do cảm lạnh dễ phục hồi hơn do chấn thương.

Bệnh nhân trước và sau điều trị 02 tuần tại Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng

Triệu chứng

- Nhìn bình thường: hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nhân trung bị kéo lệch về bên lành. Nửa mặt bên bệnh bất động và nhẽo (giảm trương lực cơ), mất nếp nhăn trán và nếp nhăn khóe mắt, lông mày hơi sụp xuống, má hơi xệ, rãnh mũi - má mờ, góc mép miệng bị xệ xuống, tai hình như thấp xuống. Tuy nhiên, trong giai đoạn muộn có nhiều trường hợp mặt bệnh nhân khi không cử động nhìn thấy mặt vẫn cân đối, chỉ khi cử động mới thấy mất cân đối do cơ bên liệt bị co cứng.

- Nhìn khi bệnh nhân cử động: mặt và mắt mất cân đối rõ rệt hơn.

+ Bên bệnh không nhăn trán được, mắt không nhắm kín (dấu hiệu hở mi), không làm được động tác nhe răng, phồng má, mím môi, huýt sáo, thổi lửa, chau mày.

+ Dấu hiệu Charles - Bell (+) hoặc Souques (+).

- Các triệu chứng khác: liệt dây VII ngoại vi có thể đi kèm theo liệt nửa người kiểu trung ương bên đối diện như trong hội chứng Millard - Gubler hay hội chứng Foville cầu não dưới.

 Nguyên nhân

- Liệt nửa mặt nguyên phát: Liệt nửa mặt do lạnh (liệt Bell). Trường hợp này thường do mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh trong ống Fallope.

- Do viêm nhiễm: Viêm đa dây thần kinh sọ não, viêm màng não, viêm tai xương chũm, viêm tuyến nước bọt mang tai, Zona hạch gối

- Do chấn thương: Chấn thương sọ não: gây vỡ xương đá, ổ máu tụ ở hõm nhĩ, do phẫu thuật (đặc biệt sau mổ viêm tai xương chũm)…

- Do u: U góc cầu tiểu não (U dây thần kinh số VII)..

Theo Y học cổ truyền

- Liệt dây thần kinh VII ngoại biên nằm trong chứng trúng phong kinh lạc của YHCT, bệnh danh của YHCT là “Khẩu nhãn oa tà”.

Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh: Do phong hàn, phong nhiệt xâm phạm và huyết ứ ở các kinh dương ở mặt làm cho sự lưu thông của khí huyết mất bình thường, khí huyết không điều hòa,  kinh can thiếu dinh dưỡng không co lại được gây bệnh, bao gồm 3 thể:

+ Thể phong hàn (Liệt VII ngoại biên do lạnh)

+ Thể phong nhiệt (Liệt VII ngoại biên do nhiễm khuẩn)

+  Ứ huyết (Liệt VII ngoại biên do sang chấn)

Châm cứu điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị liệt VII ngoại biên bằng nội khoa như: Thuốc kháng viêm, tăng dẫn truyền thần kinh, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt...). Nhưng châm cứu luôn là phương pháp được lựa chọn ưu tiên hàng đầu do hiệu quả điều trị an toàn và đạt kết quả tốt, thời gian điều trị không kéo dài, tùy theo thể bệnh mà có những pháp điều trị cụ thể.  

+ Với thể phong hàn: cứu, ôn châm, điện châm các huyệt: Toản trúc, Tình minh, Ty trúc không, Đồng tử liêu, Ế phong, Dương bạch , Thừa khớp, Nghinh hương, Giáp xa, Địa thương, Nhân trung, Thừa tương bên liệt

Toàn thân châm huyệt Hợp cốc, Phong trì bên đối diện. 

+ Với thể phong nhiệt: châm tả các huyệt như trên + huyệt Khúc trì, Nội đình đối bên.

+ Với thể ứ huyết: châm cứu các huyệt trên + Huyết hải, túc tam lý đối bên

Mỗi ngày hoặc cách ngày châm 1 lần từ 20-30 phút, điều trị liên tục 2-3 tuần 

- Phòng bệnh: 

+ Tránh nhiễm lạnh, tránh những nơi gió lùa, giữ ấm vùng cổ về mùa đông.

+ Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên + Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

- Tại khoa Y học cổ truyền, BV Lão khoa - Phục hồi chức năng, chúng tôi đã áp dụng phương pháp châm cứu kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu khác như chiếu đèn hông ngoại, điện xung dòng kích thích, xoa bóp trị liệu... mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh cho bệnh nhân.

Khoa Y học cổ truyền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip