Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH VIÊM QUANH KHỚP VAI

1. Tìm hiểu về cấu tạo khớp vai
Khớp vai là một khớp có biên độ vận động lớn, tham gia vào rất nhiều các hoạt động cũng như sinh hoạt hàng ngày của cơ thể. 
Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chụp các cơ xoay và bao khớp. Cấu tạo chụp các cơ xoay gồm 4 cơ: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Các cơ này kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một dải gân bao quanh bám tận sâu vào bên trong mấu động lớn xương cánh tay giúp cánh tay hoạt động linh hoạt, nâng lên, hạ xuống hoặc xoay vào trong, xoay ra ngoài.
Giữa chụp các cơ xoay và phần dưới của mỏm cùng vai có một bao gọi là bao hoạt dịch chứa chất hoạt dịch giúp chụp các cơ xoay không bị va vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Khi chụp các cơ xoay bị rách hoặc gặp chấn thương, bao hoạt dịch bị viêm dẫn đến bệnh viêm quanh khớp vai.
2. Viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai (periartheritis of the shoulder) là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh viêm, đau khớp vai do tổn thương phần mềm (gân cơ, dây chằng, bao hoạt dịch, bao khớp) mà không có tổn thương ở sụn và xương khớp vai, không do nhiễm khuẩn. Đặc trưng lâm sàng là đau khớp vai, kèm theo có hoặc không có hạn chế vận động khớp vai.
3. Nguyên nhân viêm quanh khớp vai
Chủ yếu đến từ tổn thương các tổ chức phần mềm của khớp vai như:
+ Thoái hóa và viêm gân chụp các cơ xoay
+ Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
+ Viêm túi hoạt dịch gân cơ nhị đầu
+ Viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay
+ Viêm dính bao khớp ổ chảo-cánh tay (đông cứng khớp vai)
+ Chấn thương do va đập mạnh, chống tay xuống đất gây áp lực lên vai khi trượt ngã cầu thang hoặc tai nạn giao thông;
4. Phân loại và triệu chứng các thể viêm quanh khớp vai:
- Viêm quanh khớp vai thể thông thường (xuất phát từ các bệnh lý về gân)
Thường gặp ở những người trên 50 tuổi, hoặc những người trẻ gặp chấn thương trong thể thao gây viêm các gân của khớp vai như viêm đầu dài gân nhị đầu, gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn nhỏ. 
Triệu chứng:
- Xuất hiện cơn đau khi vận động khớp vai đột ngột, quá mức hoặc gặp các chấn thương liên tiếp ở vai. Cơn đau có thể sẽ tăng lên khi cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay đối kháng… cơn đau tăng dần về đêm. 
- Cơn đau tăng lên, thậm chí lan tỏa xuống cánh tay, cẳng tay khi nằm tì vào vai khiến người bệnh khó chịu, đau đớn và không thể nằm nghiêng.
- X-quang: Khớp vai bình thường hoặc hình ảnh một hay nhiều điểm canxi hóa tại gân.
- Siêu âm: Hình ảnh gân giảm âm so với bình thường. Trường hợp gân bị vôi hóa có thể thấy nốt tăng âm kèm bóng cản ở gân, dịch bao quanh gân nhị đầu, trên Doppler năng lượng nhìn thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân hoặc bao gân.
- Viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp (do lắng đọng tinh thể)
Bệnh do viêm túi thanh mạc từ vi tinh thể của quá trình canxi hóa các gân chụp các cơ xoay và sự di chuyển canxi hóa vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta.
Triệu chứng:
- Đau đột ngột, dữ dội lan rộng từ khắp vai xuống cánh tay, lan lên cổ và xuống bàn tay khiến người bệnh mất vận động khớp vai, đau nhức mất ngủ.
- Bên ngoài chỗ viêm khớp vai có thể sưng, nóng… người bệnh có thể sốt nhẹ.
- X-quang: Khớp vai có các nốt canxi hóa kích thước khác nhau ở khoảng cùng vai – mấu động, có thể biến mất sau vài ngày.
- Siêu âm: Nhìn thấy các nốt tăng âm kèm bóng cản ở gân và có thể ứ dịch ở bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai. Trên Doppler năng lượng thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân, bao gân và bao thanh dịch.
- Viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai (do đứt các gân của bó dài gân cơ nhị đầu, đứt các gân chụp các cơ xoay): 
          - Người bệnh sẽ gặp dấu hiệu đau quanh khớp vai dữ dội, có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột.
          - Thêm vào đó, có thể xuất hiện vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay, người bệnh đau và mất vận động. Sau đó, cơn đau khớp vai có thể hết nhưng người bệnh vẫn không thể khôi phục được khả năng vận động khớp vai.
          - X-quang khớp vai với thuốc cản quang thấy hình ảnh đứt các gân chụp các cơ xoay với hình ảnh cản quang của túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta, có thể phát hiện tình trạng đứt gân trên từ hình ảnh cộng hưởng từ MRI.
          - Siêu âm: Đứt gân nhị đầu, không thấy hình ảnh gân nhị đầu ở hố liên mấu động hoặc phía trong hố liên mấu động, có thể có dấu hiệu tụ máu trong cơ mặt trước cánh tay. Nếu đứt gân trên gai sẽ thấy gân mất tính liên tục, co rút ở hai đầu gân đứt, có thể có dịch ở vị trí đứt.
- Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày dẫn đến giảm khả năng vận động khớp)
- Người bệnh mắc chứng đông cứng khớp vai có thể gặp các cơn đau kiểu cơ học, đặc biệt cơn đau thường tăng về đêm.
- Sau vài tuần, cơn đau giảm dần nhưng vùng vai bị đông cứng, hạn chế vận động, không thể đưa tay lên cao, dang cánh tay hoặc xoay ngoài. 
- X-quang khớp vai với thuốc cản quang nhìn thấy hình ảnh khoang khớp thu hẹp chỉ còn 5-10ml (bình thường là 30-35ml), giảm cản quang khớp, các túi cùng màng hoạt dịch biến mất.
- Chụp cộng hưởng từ khớp vai thấy bao khớp dày, phù nề.
5. Điều trị viêm quanh khớp vai
5.1. Điều trị nội khoa
- Đối với thuốc giảm đau thông thường: Dùng thuốc theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc theo chỉ định của bác sĩ chữa trị.
Đối với thuốc chống viêm không steroid: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau.
- Tiêm corticoid tại chỗ: Phương pháp này áp dụng cho người bệnh thể viêm quanh khớp vai đơn thuần. Người bệnh có thể được chỉ định tiêm vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ delta, tiêm 1 lần duy nhất và tiêm nhắc sau 3-6 tháng nếu bị đau trở lại. 
- Dùng thực phẩm bổ sung phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. 
- Nội soi ổ khớp vai để lấy các tinh thể canxi lắng đọng.
- Các trường hợp đứt bán phần các gân chụp các cơ xoay do chấn thương ở người bệnh dưới 60 tuổi: Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Đây là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao, chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cùng các phân tử sinh học kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh quá trình hồi phục tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương, chấm dứt nhanh các cơn đau, đảm bảo hiệu quả điều trị.
5.2. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nối gân bị đứt: Phương pháp này được chỉ định với thể giả liệt khớp vai, đặc biệt đối với người trẻ tuổi bị đứt gân vùng khớp do chấn thương. Trường hợp đứt gân do thoái hóa ở những người trên 60 tuổi, quyết định phẫu thuật cần có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định hết sức cẩn trọng từ bác sĩ.
5.3. Phục hồi chức năng
- Có thể áp dụng các liệu pháp nhiệt như: chườm lạnh, chườm nóng, hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, đắp Paraphin, …
- Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, vận động hợp lý: Giai đoạn sưng, đau nhiều cần hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương. Tránh lao động nặng quá mức, cũng như các tác động trực tiếp lên khớp vai.  Khi đỡ sưng, đau cần tập luyện để khôi phục chức năng vận động của khớp vai.
6. Phòng ngừa viêm quanh khớp vai:
- Tránh làm việc quá sức hoặc mang vác nặng. (đặc biệt những động tác xách, kéo...)
- Thận trọng trong những sinh hoạt hàng ngày để tránh chấn thương khớp vai;
- Cẩn thận khi chơi những môn thể thao có thể làm tổn thương vai như tennis, bóng bàn, cầu lông…
- Không thay đổi tư thế vai đột ngột, làm nóng (khởi động) khớp vai và cánh tay trước khi vận động.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động vai nhiều và tránh tác động chèn ép vai.
- Phát hiện sớm các thể viêm khớp vai thông qua triệu chứng được nêu trên để có hướng điều trị kịp thời và đúng cách.
Một số kỹ thuật điều trị đang triển khai tại Bệnh viện Lão khoa- Phục hồi chức năng.
 

Điều trị bằng laser công suất cao

Điều trị bằng siêu âm trị liệu

Tập vận động với kỹ thuật viên PHCN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip