Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gãy xương ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách sơ cứu an toàn

Gãy xương là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi được định nghĩa là những người trên 65 tuổi. Người cao tuổi có nguy cơ gãy xương cao hơn do sự suy yếu của hệ thống xương và phần mềm, bệnh loãng xương và các nguyên nhân khác. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết về nguyên nhân và cách sơ cứu an toàn cho gãy xương ở người cao tuổi.

Các nguyên nhân ngãy xương ở người cao tuổi:

- Trượt ngã: là nguyên nhân hay gặp, do cơ thể suy yếu, có bệnh huyết áp, tiền đình.

- Ngã cao: do sử dụng thang trượt ngã,...

- Tai nạn giao thông: thói quen giữ sức khỏe như đi bộ, đi xe đạp buổi sáng, khi bị ngã cũng gây gãy xương.

- Gãy xương do loãng xương.

- Gãy xương bệnh lý: ung thư xương, viêm xương.

Biểu hiện người cao tuổi bị gãy xương:

- Đau tại vị trí ổ xương gãy: Thường gặp xương cổ tay, cẳng tay, cổ xương đùi, xương cánh tay, ..

- Sưng nề bầm tím vùng xương gãy: cổ tay, bẹn đùi…

- Chân tay gãy biến dạng, cong, chảy máu

- Hạn chế vận động chi gãy: khó vận động cẳng tay, cổ tay, chân bên gãy

- Có thể thấy xương gãy chồi ra ngoài qua vết thương, nghe thấy tiếng lạo xạo xương gãy

Cấp cứu người bệnh gãy xương: người cao tuổi sau khi ngã sẽ có biểu hiện đau ở mông, háng, ở lưng, cổ tay, cánh tay hay chân. Tùy thuộc vào vị trí mà xử trí khác nhau. Cần lưu ý:

Khi phát hiện người cao tuổi bị gãy xương hoặc nghi ngờ gãy xương thì cần gọi cho cấp cứu 115 để được hướng dẫn cụ thể và cấp cứu đúng cách.

Với những gãy xương lớn như gãy xương đùi, xương cột sống, xương cẳng chân, xương cánh tay cần làm nhẹ nhàng tránh tình trạng shock (do đau, do chảy máu) cho người bệnh.

Gãy xương cột sống, khung chậu: Thực hiện vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế trên cáng cứng, không vận chuyển bằng xe máy.

Gãy xương nhỏ như gãy xương ở cổ tay, cẳng tay... rất hay gặp: Khi xác định được vùng tổn thương gãy xương thì nhanh chóng dùng nẹp hoặc băng đeo cố định chi gãy.

Cách sơ cứu an toàn:

Cố định gãy xương cẳng tay: dùng 02 nẹp đặt mặt trước và mặt sau cẳng tay, cố định ổ gãy xương cẳng tay tại 04 vị trí như hình.

Nẹp cố định gãy xương cánh tay: dùng 02 nẹp đặt mặt trong và mặt ngoài cánh tay, cố định chắc ổ gãy theo hình.

Nẹp cố định gãy xương đùi: sử dụng 03 nẹp (02 nẹp dài từ gót chân đến hố nách, 01 nẹp từ gót chân đến bẹn). 1 nẹp dài để dưới lưng và chân gãy, 1 nẹp dài để từ hố nách và mặt ngoài chân gãy, nẹp ngắn để mặt trong chân gãy. Cố định chắc theo hình.

Nẹp cố định gãy xương cẳng chân: sử dụng 02 nẹp dài từ gót chân đến bẹn, để nẹp ở mặt trong và mặt ngoài chân gãy. Cố định chắc tại các vị trí theo hình.

Cố định và vận chuyển bệnh nhân chấn thương cột sống, khung chậu: Khi vận chuyển có 02 hoặc 03 người đứng cùng bên, sau đó luồn cả 2 tay xuống dưới, 1 người đỡ vùng đầu và ½ vùng ngực, 1 người đỡ từ ½ vùng ngực đề vùng mông. 1 người đỡ vùng mông và 02 chân. Khi bê bệnh nhân chú ý theo y lệnh tất cả cùng bê tại 1 thời điểm và cùng di chuyển lên cáng cứng, lên giường bệnh.

Nẹp cố định cột sống cổ : Bệnh nhân bất tỉnh không rõ lý do hoặc ngã có đau cột sống cổ thì tiến hành nẹp cột sống cổ. Chú ý: người nâng đầu và cổ, vai bệnh nhân sử dụng 2 cẳng tay vừa nâng và giữ cố định đầu theo hình. Người thứ 02 phối hợp nhẹ nhàng đặt nẹp cổ xuống phía dưới, sau đó đặt phía trên, dán cố định chắc nẹp cổ. 

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân và cách điều trị an toàn cho gãy xương ở người cao tuổi. Tuy nhiên, việc giữ gìn sức khỏe của xương và cơ thể là quan trọng nhất để tránh nguy cơ gãy xương. Người cao tuổi nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương và tập thể dục thường xuyên để giữ cho xương và cơ thể khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nghi ngờ về gãy xương, người cao tuổi nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời dưới sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Ngoại và bác sĩ phục hồi chức năng để có phương hướng kế hoạch điều trị cụ thể ....

Khoa Khám bệnh - Cấp cứu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip