Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu một số bài tập trên bóng cho trẻ bại não

Tập vận động trên bóng trong điều trị Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng là một phương pháp tập luyện rất phổ biến và được thường xuyên áp dụng. Bóng trị liệu là một dụng cụ tập luyện có nhiều ưu điểm giúp đạt được mục đích trong chương trình điều trị. Các bài tập với bóng giúp những Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu có nhiều lựa chọn hơn trong chương trình điều trị. Kỹ thuật tập luyện với bóng có thể áp dụng trong nhiều bệnh lý và nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực nhi khoa, tập luyện với bóng phát huy nhiều ưu điểm khi được áp dụng cho điều trị Phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

I. Mục đích của kỹ thuật tập luyện với bóng cho trẻ bại não:

- Tạo thuận kiểm soát đầu – cổ

- Tạo thuận lăn lật

- Tạo thuận kiểm soát thân mình và ngồi

- Thăng bằng ngồi

- Tạo thuận cho khả năng chuyển sức nặng và xoay thân

- Tạo thuận kiểm soát ở tư thế quỳ

- Tạo thuận đứng

- Kéo giãn các cơ co rút để tăng chiều dài cơ

- Phát triển phản ứng chỉnh thế - thăng bằng – tự vệ.

- Kích thích tiền đình, phối hợp cảm giác.

- Tạo thuận và phát triển các hoạt động của tay và chân

II. Một số lưu ý khi tập luyện bóng cho trẻ bại não:

       * Lựa chọn kích cỡ bóng phù hợp:

Trẻ em 1 – 2 tuổi: 30cm

Trẻ em 3 – 5 tuổi: 35cm

* Mức độ căng phồng của bóng:

Bóng căng nhiều mức độ di động càng cao

Bóng căng ít mức độ di động càng ít, khi tập có cảm giác an toàn, vững chắc hơn.

* Thực hiện bài tập khởi đầu với tốc độ chậm rãi, có kiểm soát.

* Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, không nên để trần vùng da tiếp xúc với bóng.

* Nên tập bóng trên sàn nhà có nệm hoặc thảm. 

III. Một số kỹ thuật tập luyện cho trẻ bại não trên bóng:

1. Các bài tập thăng bằng:

- Để trẻ nằm sấp trên bóng, hai tay trẻ ôm bóng, hai chân duỗi thẳng. Kỹ thuật viên/ Người nhà ( KTV/ NN) hai tay giữ hông trẻ và từ từ lăn bóng từ bên này sang bên kia, dần dần gia tăng khoảng cách lăn.

- Để trẻ ngồi trên bóng với hai chân tựa trên bề mặt bóng, KTV/ NN lăn bóng ra sau cho đến khi trẻ hướng về giữa đỉnh bóng, di chuyển bóng nhiều hướng khác nhau để kích thích phản ứng thăng bằng.

2. Phát triển chỉnh thế đầu và duỗi thân mình:

- Cho trẻ nằm sấp trên bóng với các hoạt động phù hợp với độ cao của bóng.

3. Phát triển thân mình và chi trên:

- Cho trẻ nằm sấp trên bóng, với đầu, thân mình và hai tay hoàn toàn thư giãn và cúi xuống tựa trên bề mặt bóng. Khuyến khích trẻ nâng cao toàn bộ phần trên thân mình giống như “ chim bay” trong khi đó KTV/ NN hai tay đỡ hông hoặc chi thể.

- Nằm sấp, đẩy bóng.

4. Phát triển mẫu gập ở vị thế nằm ngửa:

- Để trẻ nằm ngửa trên bóng với hai chân gập gối, khuyến khích trẻ gập đầu để gợi ra mẫu gập: gập đầu, gập hai tay, gập hai chân.

5. Các hoạt động với tới và cầm nắm vật:

- Cho trẻ nằm sấp trên bóng có độ cao phù hợp để hai khuỷu và cẳng tay được nghỉ trên sàn nhà. Để đồ chơi phía trước trẻ trên một ghế nhỏ, tấm bảng...để trẻ với và cầm nắm vật.

6. Tập đứng với bóng:

- KTV/ NN đặt trẻ đứng bám vào bóng, cố định trẻ tại hông, đẩy bóng tiến ra trước rồi lùi lại sau tương ứng với động tác đứng lên, ngồi xuống của trẻ.

7. Tập đi với bóng:

- NN giữ bóng ở phía trước, KTV đặt trẻ đứng bám vào bóng, trợ giúp trẻ bám và đẩy bóng tiến về phía trước

 

8. Tư thế nằm nghiêng trên bóng:

- Mặt dốc nghiêng của bóng cung cấp một hình dáng lý tưởng để thư giãn ở vị thế nằm nghiêng.

Sưu tầm và biên soạn: KTV Vũ Thị Bình Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip