Đóng lại
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN LÃO KHOA - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu biết cơ bản về phục hồi chức năng sau gãy xương

1. Hệ xương cơ thể người có chức năng gì?

Trong cơ thể người, hệ xương có nhiều chức năng, bao gồm:

- Bảo vệ: Xương lồng ngực và xương sọ có tác dụng bảo vệ cho các bộ phận bên trong khỏi bị tổn thương.

Nâng đỡ: Xương tạo thành một bộ khung giúp kết nối các cơ và mô.

- Vận động: Nhờ sự kết nối giữa các cơ và xương, cơ thể con người có thể vận động dễ dàng và linh hoạt.

- Dự trữ chất khoáng: Xương giống như một chiếc kho, giúp dự trữ lượng phốt pho, canxi và các chất khoáng thiết yếu để cơ thể sử dụng mỗi khi cần đến.

- Dự trữ năng lượng: Trong tế bào mỡ của tuỷ xương vàng thường dự trữ các chất béo để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Sản sinh các tế bào máu: Giúp sản sinh ra những tế bào máu trong tủy đỏ xương.

2. Gãy xương là gì?

Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương gây ra các tổn thương và làm gián đoạn về truyền lực qua xương. Nói cách khác, xương mất tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây nên. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.

3. Nguyên nhân gãy xương?

- Gãy xương do chấn thương: Gãy xương xảy ra sau tác động của một lực chấn thương như ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc chơi thể thao, vết thương hỏa khí, ….

- Gãy xương do bệnh lý: Một số bệnh lý như u xương, viêm tủy xương, lao xương, loãng xương gây phá hủy xương, giảm mật độ xương làm xương yếu và dễ gãy.

4. Dấu hiệu gãy xương?

- Đau: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Bệnh nhân đau nhiều, nhưng nếu bất động tốt thì sẽ giảm đau nhanh. Mức độ đau có thể là đau  nhẹ, đau vừa, hay đau nặng  phụ thuộc vào độ rách của màng xương (chính là nơi có những tận cùng thần kinh), tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh,…

- Giảm hoặc mất cơ năng chi bị gãy: Khi bị gãy xương, bệnh nhân mất vận động hoàn toàn hoặc có thể không hoàn toàn phần chi gãy.  

- Sưng nề, bầm tím: Đây là dấu hiệu cho thấy sự tổn thương của phần mềm. Càng tổn thương nghiêm trọng thì mức độ sưng nề, bầm tím càng tăng. Tình trạng chảy máu từ tủy xương, sự điều hòa quá trình đông cầm máu. 

- Biến dạng trục chi: Khi gãy xương có di lệch rất có thể dẫn đến biến dạng, lệch trục, ngắn chi ở vùng chi gãy. Bệnh nhân bị căng cơ nhẹ và bong gân thường không có triệu chứng biến dạng chi. 

 - Cử động bất thường giữa hai đầu xương gãy thường xảy ra khi gãy xương, tuy nhiên không được cố ý tìm vì dễ làm bệnh nhân sốc và tổn thương phần mềm.

- Nghe thấy tiếng cọ xát hai đầu gãy, lạo xạo xương.

5. Quy trình can xương?

Quá trình can xương diễn ra theo 04 giai đoạn:

- Giai đoạn máu tụ: ngay sau gãy xương tại ổ gãy máu từ màng xương, tủy xương, phần mềm, … sẽ chảy ra, tụ lại giữa hai đầu xương và tổ chức xung quanh. Máu tụ này sẽ phát triển thành can liên kết.

- Giai đoạn can liên kết: từ màng xương, ống xương, tủy xương các tế bào liên kết xâm nhập vào khối máu tụ tạo dần thành một màng lưới tổ chức liên kết thay dần khối máu tụ.

- Giai đoạn can nguyên phát (can non): sau 3-4 tuần, muối canxi lắng đọng dần trên can xương liên kết tạo thành can xương non.

- Giai đoạn can xương vĩnh viễn: màng xương, ống tủy được hình thành lập lại tạo thành can xương vĩnh viễn. Ổ gãy được liền tốt sau 8-10 tháng.

Hình ảnh thời gian can xương

6. Các phương pháp điều trị gãy xương?

- Bó bột: Bột được làm từ thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc, sẽ tạo thành một lớp bảo vệ cứng, bao bọc toàn bộ khu vực gãy xương. Bó bột thường được sử dụng cho những trường hợp cần bất động trong nhiều tuần.

- Nẹp cố định: Thanh nẹp sẽ cố định một bên của phần xương gãy. Phương pháp này thường được dùng để điều trị gãy xương kín.

- Cố định ngoài: Trong thủ thuật này, bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới xương bị gãy. Các đinh ốc này kết nối với một thanh kim loại bên ngoài da để giữ xương không bị xê dịch trong quá trình tự lành.

- Kéo liên tục: Các cơ và gân xung quanh xương được tác động một lực kéo nhẹ nhàng, liên tục giúp ổn định các xương bị gãy.

- Phẫu thuật mổ hở và cố định trong: Thường được dùng trong trường hợp gãy xương phức tạp. Lúc này, thông qua vết mổ, các bác sĩ sẽ trực tiếp sắp xếp, nắn lại phần xương bị gãy từ bên trong; sau đó cố định chúng lại bằng ốc vít hoặc các mảnh kim loại ngay trên bề mặt xương.

- Thay khớp: Được chỉ định trong trường hợp xương bị gãy làm tổn thương nghiêm trọng phần trên của xương đùi, gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi.

- Ghép xương hay kết hợp xương: Cần được thực hiện ngay lập tức khoảng cách giữa các mảnh xương gãy quá lớn. Ngoài ra, phương pháp này có thể được chỉ định trong trường hợp chậm lành xương hoặc xương gãy không thể chữa lành.

- Đối với những trường hợp gãy xương nhỏ như ngón tay hoặc ngón chân… thì nắn bóp từ bên ngoài mà không cần bó bột có thể là đủ để điều trị gãy xương.

7. Tại sao sau gãy xương cần phải phải phục hồi chức năng?

Sau gãy xương sẽ xảy ra hiện tượng cứng khớp, teo cơ và giảm chức năng sinh hoạt do các khớp xương của người bệnh phải trải qua một thời gian dài bất động bằng bột, dụng cụ chỉnh hình. Do đó phục hồi chức năng sau khi gãy xương có vai trò quan trọng giúp tăng tuần hoàn máu, tăng chuyển hoá, giãn cơ, giảm đau, sớm hồi phục chức năng vận động.

8. Mục đích phục hồi chức năng sau gãy xương?

* Giai đoạn bất động

- Phòng ngừa các biến chứng viêm phổi ứ đọng, huyết khối, loét do đè ép... 

- Giảm đau, duy trì tầm vận động của khớp tự do, tránh teo cơ, cứng khớp do bất động. 

Ở giai đoạn này thường được chỉ định tại cơ sở y tế, có sự hướng dẫn và giám sát của cán bộ y tế. Tuy nhiên người bệnh và người chăm sóc cũng cần hiểu để tuân thủ, kết hợp giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

* Giai đoạn sau bất động

- Giảm sưng, giảm phù nề, giảm đau. Gia tăng tuần hoàn, phá tan kết dính.

- Gia tăng tầm hoạt động của khớp. Gia tăng sức mạnh của cơ. Phục hồi chức năng tối đa để người bệnh nhanh chóng trở về cuộc sống, lao động bình thường.

9. Các kỹ thuật phục hồi chức năng được áp dụng để điều trị gãy xương?

* Giai đoạn bất động

- Tư thế trị liệu: Đối với vùng chi còn phù nề, cần kê cao chi để giảm phù nề.

- Vận động trị liệu: Đối với vùng gãy xương phải bất động cần thực hiện co cơ tĩnh (gồng cơ) để đề phòng teo cơ, giảm phù nề, làm nhanh quá trình liền can. Đối với các khớp tự do không bị cố định thì thực hiện vận động chủ động các khớp hết biên độ (tầm) vận động.

- Giảm đau: Sử dụng điện trị liệu như các dòng điện xung, điện phân, điện cao tần... hoặc có thể sử dụng nhiệt lạnh như chườm đá, chườm lạnh...

- Hoạt động trị liệu: Phải được tiến hành sớm, ngay từ khi còn cố định xương đến khi hồi phục. Biện pháp tùy theo tổn thương cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

* Giai đoạn sau bất động

- Có thể sử dụng nhiệt nóng: Chiếu đèn hồng ngoại, bó parafin, ….

- Xoa bóp trị liệu, Điện xung, Từ trường, Tử ngoại… vùng chấn thương.

Từ trường điều trị gãy xương

Điện xung điều trị gãy xương

- Vận động trị liệu:

+ Cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.

+ Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà chọn các loại bài tập vận động phù hợp với tình trạng người bệnh, loại gãy xương và xương bị gãy.

Các động tác tập

Khoa Hoạt động trị liệu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip