Can thiệp hoạt động trị liệu giúp bệnh nhân sau đột quỵ độc lập trong sinh hoạt hướng tới tái hòa nhập xã hội
1. Dịch tễ học về đột quỵ:
Đột quỵ là một bệnh lý mạch máu và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một hội chứng lâm sàng bao gồm "các dấu hiệu lâm sàng của rối loạn chức năng não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài trên 24 giờ hoặc dẫn đến tử vong, không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu".
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2015) đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong ở Việt Nam (21,7%) với tỷ lệ tử vong hàng năm là 150.000 người (HealthGrove, 2013).
Đột quỵ là nguyên nhân gây ra khuyết tật trầm trọng thường gặp nhất của người lớn trên thế giới. Trên toàn cầu, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần (Ủy ban Sáng kiến Đột quỵ Châu Âu, 2003).
2. Hồi phục sau đột quỵ
Sự hồi phục sau đột quỵ không đi theo đường thẳng tuyến tính, mà theo đường cong. Sự hồi phục phần lớn diễn ra trong những ngày đầu tiên đến những tháng đầu tiên. Quá trình hồi phục bao gồm bốn giai đoạn. Những giai đoạn này diễn ra kết hợp với nhau và không phân định rõ ràng.
- Giai đoạn cấp tính (0 - 24 giờ)
- Giai đoạn phục hồi chức năng sớm (24 giờ – 3 tháng)
- Giai đoạn phục hồi chức năng muộn (3 – 6 tháng)
- Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính (> 6 tháng)
Sự hồi phục sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố:
- Khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể.
- Các phương pháp chăm sóc chuyên biệt: sự can thiệp của y học, luyện tập Phục hồi chức năng.
Một số người bệnh sau đột quỵ có thể tự hồi phục một phần, nhưng phần lớn người bệnh cần được áp dụng phục hồi chức năng để đạt hiệu quả nhanh chóng.
3. Những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ ảnh hưởng đến hoạt động chức năng và sự hồi phục
* Liệt hoặc các vấn đề vận động
Liệt là một trong các khuyết tật phổ biến nhất sau đột quỵ. Liệt thường xảy ra ở một bên cơ thể đối diện với bên não bị tổn thương, có thể ảnh hưởng ở mặt, tay, chân hoặc toàn bộ một bên cơ thể. Liệt hoàn toàn khi bệnh nhân mất hoàn toàn vận động, liệt bán phần khi bệnh nhân còn khả năng vận động một phần. Bệnh nhân đột quỵ bị liệt có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, một số gặp khó khăn khi nuốt (gọi là nuốt khó) do tổn thương phần não kiểm soát các cơ nuốt. Tổn thương tiểu não ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và tư thế của cơ thể.
* Rối loạn cảm giác
Bệnh nhân đột quỵ có thể mất khả năng cảm giác sờ, đau, nhiệt độ hoặc vị trí. Bệnh nhân rối loạn cảm giác nặng có thể mất khả năng nhận biết một phần cơ thể. Một số bệnh nhân có cảm giác đau, tê, ngứa hoặc như bị châm chích, được gọi là các dị cảm.
Mất cảm giác tiểu tiện ngay sau đột quỵ khá thường gặp. Một số bệnh nhân mất khả năng đi tiểu hoặc kiểm soát cơ bàng quang, trong khi một số mất khả năng nhịn tiểu trước khi đến phòng vệ sinh.
Mất kiểm soát nhu động ruột hoặc táo bón cũng hay gặp. Ngoài ra, đôi khi xuất hiện hội chứng đau mạn tính do tổn thương hệ thần kinh (bệnh lý đau do thần kinh). Ở một số bệnh nhân, con đường dẫn truyền cảm giác trong não bị tổn thương dẫn tới dẫn truyền tín hiệu sai lạc gây ra cảm giác đau ở chi hoặc một bên cơ thể bị rối loạn cảm giác. Hội chứng đau phổ biến nhất là hội chứng đau vùng đồi thị (do tổn thương vùng đồi thị - là vị trí trung gian dẫn truyền cảm giác đau từ cơ thể đến não). Đau cũng có thể xảy ra mà không có tổn thương hệ thần kinh, thường do tình trạng yếu liệt cơ gây ra, phổ biến nhất là đau do mất vận động của khớp bị bất động trong thời gian dài cùng với tổn thương gân và dây chằng quanh khớp. Hiện tượng này thường được gọi là “khớp đông cứng”, cần dự phòng bằng cách tập vận động thụ động sớm.
* Vấn đề ngôn ngữ và chữ viết
Ít nhất 1/4 số bệnh nhân đột quỵ bị rối loạn ngôn ngữ, liên quan đến khả năng nói, viết và hiểu ngôn ngữ. Trung tâm chính kiểm soát ngôn ngữ nằm ở bán cầu não trái của những người thuận tay phải và nhiều người thuận tay trái. Tổn thương trung tâm ngôn ngữ ở vùng bán cầu ưu thế (vùng Broca) gây chứng mất vận ngôn. Những người bị tổn thương vùng này gặp khó khăn khi thể hiện suy nghĩ của họ do mất khả năng nói những từ ngữ họ nghĩ và viết câu không hoàn chỉnh. Trái lại, tổn thương một vùng ngôn ngữ khác là vùng Wernicke làm cho người bệnh nói không lưu loát, khó hiểu người khác nói gì hoặc viết gì. Dạng nặng nhất của mất ngôn ngữ là mất ngôn ngữ toàn thể do tổn thương rộng vùng não kiểm soát ngôn ngữ, bệnh nhân mất khả năng nói, nghe hiểu, đọc, viết.
* Vấn đề về tư duy và trí nhớ
Đột quỵ có thể gây tổn thương các phần não kiểm soát trí nhớ, khả năng học hỏi và nhận thức. Bệnh nhân có thể mất trí nhớ ngắn hạn hoặc giảm sự chú ý, mất khả năng lập kế hoạch, hiểu ý nghĩa, học thứ mới và các hoạt động tinh thần phức tạp khác.
* Rối loạn cảm xúc
Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ xuất hiện cảm giác sợ hãi, lo lắng, thất vọng, giận dữ, buồn bã, và một cảm giác đau buồn do suy giảm thể chất và tinh thần. Các cảm giác này là phản ứng tự nhiên với sang chấn tâm lý do đột quỵ. Một số rối loạn cảm xúc và thay đổi tính tình là do tác động vật lý của tổn thương não. Trầm cảm là rối loạn hay gặp nhất, với các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ngon miệng dẫn tới sụt cân hoặc tăng cân, thờ ơ, hạn chế giao tiếp xã hội, hay cáu gắt, mệt mỏi, tự ti, suy nghĩ tự tử. Trầm cảm sau đột quỵ có thể điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và tư vấn tâm lý.
4. Nội dung hoạt động trị liệu áp dụng cho bệnh nhân đột quỵ
- Hoạt động tự phục vụ, tự chăm sóc: vệ sinh cá nhân (tắm rửa, vệ sinh răng miệng), chăm sóc cá nhân (chải đầu, cắt móng tay, cạo râu, trang điểm…), vệ sinh bài tiết (đại tiện, tiểu tiện), mặc quần áo, ăn uống…
- Hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: Nấu ăn, rửa bát đũa, lau dọn nhà cửa, giặt giũ, mua sắm và quản lý tiền bạc, sử dụng phương tiện giao thông, ….
- Hoạt động giáo dục và trí tuệ: thông qua các trò chơi, đồ vật, tranh ảnh, âm nhạc, …
- Hoạt động nghề nghiệp: các công việc thủ công (thêu, đan lát, ….)
- Hoạt động sáng tạo và nghệ thuật: vẽ tranh, đất nặn, xếp hình, …
- Hoạt động vui chơi, thể thao, giải trí: tham quan, du lịch, dã ngoại, tham gia các môn thể thao, xem phim, ca nhạc, ….
5. Hoạt động trị liệu can thiệp cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng Quảng Ninh
- Phục hồi chức năng chi trên: tập chức năng bàn tay, trị liệu vận động cưỡng bức (CIMT), hướng dẫn sử dụng các bài tập trong sinh hoạt hàng ngày và duy trì, hạn chế các biến chứng bên liệt (bán trật khớp vai, co cứng cơ), ... thay đổi môi trường và sử dụng dụng cụ hỗ trợ để tạo thuận sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân.
- Tập thăng bằng, cách dịch chuyển, di chuyển, lên xuống cầu thang....
- Tập luyện các chức năng hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADL):
+ Hoạt động sống hàng ngày cho cá nhân (Personal ADLs): Tắm gội; Thay quần áo; Ăn uống; Rửa mặt; Đánh răng; Đi vệ sinh, …
+ Hoạt động sống hàng ngày trong nhà (Domestic ADLs): Nấu ăn; Quét dọn nhà cửa; Giặt là; Phơi quần áo; Làm vườn...
+ Hoạt động sống hàng ngày trong cộng đồng (Community ADLs): Sử dụng các phương tiện di chuyển; Mua sắm; Quản lý tiền bạc; Tham gia câu lạc bộ chơi cờ, đọc thơ; ....
- Tập luyện các bài tập giúp bệnh nhân rèn luyện trí nhớ, sự tập trung: như sử dụng phương pháp học không mắc lỗi, sử dụng quy tắc giúp dễ nhớ khơi gợi lại trí nhớ cho người bệnh, sử dụng gợi ý đơn giản để gây chú ý đến bên liệt, …
- Tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các loại nẹp, dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- Tư vấn điều chỉnh môi trường nhà ở để hỗ trợ người bệnh, ví dụ như thanh vịn, tay vịn cầu thang, thay đổi vòi nước và những vật dụng gắn cố định khác trong nhà vệ sinh, bờ dốc để xe lăn và khung tập đi có thể ra vào dễ dàng hơn, nới rộng cửa ra vào...
- Tư vấn cho người bệnh đột quỵ và gia đình của họ về hướng nghiệp.
Hình ảnh người bệnh tập chức năng bàn tay
Hình ảnh Kỹ thuật viên trợ giúp cho người bệnh tập bước lên bậc thang
Hình ảnh Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh cách mặc áo, sử dụng thìa, uống nước
Hình ảnh người bệnh tập nấu ăn, trồng cây, tập sử dụng kẹp phơi quần áo
Hình ảnh Kỹ thuật viên cùng người bệnh chơi cờ, đọc thơ, tập sử dụng tiền mua sắm
Hình ảnh Kỹ thuật viên cùng người bệnh tập nhận thức
Hình ảnh một số dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày, mô hình nhà tắm, nhà bếp được cải thiện giúp người bệnh dễ dàng sử dụng an toàn
BS Lê Thu Hiên